B
Từ tháng 3/2020, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngành ô tô không nằm ngoài sự sụt giảm. Ở 2 quý đầu năm, thị trường ô tô Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng doanh số âm so với cùng kỳ năm ngoái.
Giữa năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP quy định mức giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD). Nghị định này có hiệu lực từ ngày 28/6 đến 31/12/2020 với mức hỗ trợ tương đương tỷ lệ 5-6% giá bán của xe.
Nghị định này được Chính phủ xem như chiếc đòn bẩy kích cầu cho các doanh nghiệp ôtô Việt Nam. Trên thực tế, Nghị định 70 phát huy tác dụng rõ rệt sau khoảng 6 tháng được ban hành. Bên cạnh nhóm xe lắp ráp trong nước hưởng ưu đãi, nghị định này khiến thị trường xe nhập khẩu cũng thay đổi.
Doanh số xe lắp ráp trong nước tăng mạnh
Cộng dồn 6 tháng đầu năm, doanh số của các thương hiệu lắp ráp trong nước giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, Kia bán được 11.049 xe, Mazda đạt doanh số 10.549 xe và Hyundai là 25.482 xe. So với doanh số tích lũy ở 6 tháng đầu năm 2019, doanh số các hãng này ở năm 2020 giảm lần lượt là 24%, 39% và 20%.
Các hãng phân phối phần lớn xe lắp ráp như Hyundai, Kia hay Mazda có doanh số tăng đáng kể sau Nghị định 70. |
Bước sang tháng 7, Nghị định 70 được áp dụng đã ảnh hưởng tích cực đến doanh số của nhóm xe CKD. Bên cạnh đó, các hãng xe còn áp dụng thêm các hình thức khuyến mại riêng nhằm đẩy mạnh doanh số. Các biện pháp kích cầu tích cực đã kéo doanh số của nhóm xe CKD đi lên.
Tính đến tháng 11, doanh số cộng dồn của 3 thương hiệu Kia, Mazda và Hyundai được ghi nhận lần lượt là 31.350 xe, 27.739 xe và 61.255 xe. Nếu tính riêng từ tháng 7 đến tháng 11, các hãng đạt mức doanh số cộng dồn gần như gấp đôi giai đoạn trước dù ít hơn 1 tháng.
Kia có mức tăng trưởng 17% sau 11 tháng trong khi phần lớn thị trường đều tăng trưởng âm. |
Có thể thấy, giai đoạn 5 tháng tăng trưởng mạnh mẽ này đã giải cứu thị trường ôtô Việt trong năm 2020. Doanh số cộng dồn của Mazda và Hyundai sau 11 tháng chỉ kém 6% và 1,5% so với cùng kỳ năm 2019 trong khi Kia tăng trưởng 17%.
Theo chuyên gia ôtô Nguyễn Sơn, mức tăng trưởng trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, đặc biệt là quý III là rất ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế chung của cả nước còn nhiều khó khăn. "Nhìn chung, mức tăng trưởng mạnh ở quý III của nhóm xe CKD đã bù đắp cho phần thiếu hụt ở giai đoạn đầu năm", ông Sơn nhận xét thêm.
Sau khi Nghị định 70 được áp dụng, các hãng xe được hưởng lợi nhiều nhất là Hyundai, Kia, Mazda và VinFast. Nếu ở năm 2019, Toyota là hãng xe có doanh số xe con cao nhất thị trường thì ở năm nay, vị trí này thuộc về Hyundai. Tính ở tháng 11, 4 hãng xe này đã đóng góp đến 7 mẫu xe trong nhóm 10 xe bán chạy nhất tháng. Hyundai nổi bật với 3 cái tên gồm Santa Fe, Accent và Grand i10.
Xe nhập khẩu thay đổi để thích nghi
Sau khi Nghị định 70 được áp dụng vào cuối tháng 6, doanh số của xe CKD và xe CBU (xe nhập khẩu) có sự phân hóa rõ rệt. Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số của các hãng phân phối phần lớn xe nhập khẩu giảm mạnh từ tháng 7 - tháng đầu tiên áp dụng Nghị định 70.
Vừa ra mắt tại Việt Nam, Ford Everest 2021 đã được áp dụng chính sách khuyến mại để cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước. |
So với cùng kỳ năm trước, hai đại diện tiêu biểu cho nhóm này là Ford và Toyota giảm lần lượt 42% và 31% ở doanh số tích lũy sau 7 tháng. Bước sang tháng 8, tình hình được cải thiện khi các con số tương ứng là 39% và 30%. Sau khi kết sổ tháng 7, các nhà phân phối đã nhận ra sự thua thiệt về doanh số giữa xe CBU và xe CKD.
Kể từ đây, các hãng bắt đầu tung ra các chính sách khuyến mại. Phổ biến nhất là hỗ trợ 50% phí trước bạ, tương tự các mẫu xe CKD. Bên cạnh đó, các đại lý cũng áp dụng thêm các gói khuyến mại phụ kiện hoặc trừ thêm vào giá xe.
Nghị định 70 cũng tác động không nhỏ đến quyết định nhập khẩu xe hay lắp ráp của một số hãng xe. Đơn cử là Honda với CR-V facelift. Sau gần 3 năm nhập khẩu CR-V từ thị trường Thái Lan, Honda quyết định lắp ráp mẫu SUV này từ đời 2020. Với tác động của Nghị định 70, Honda CR-V 2020 tiết kiệm cho khách hàng khoảng 60-70 triệu đồng chi phí lăn bánh so với phiên bản nhập khẩu trước đây.
Từ đó, doanh số cộng dồn của 2 hãng này qua các tháng rút ngắn tỷ lệ chênh lệch so với cùng kỳ năm 2019. Doanh số mỗi tháng có sự cải thiện so với tháng trước đó dù mức tăng trưởng không quá cao (5-6%).
Mercedes-Benz là một trong những hãng xe sang đã linh động để thích nghi với Nghị định 70. |
Không tiếp tục giảm phí trước bạ ôtô sản xuất trong nước
Sau 6 tháng tồn tại, Nghị định 70 đã tạo ra cuộc đua kích cầu chưa từng có trong lịch sử ngành ôtô Việt. Có thể nói Nghị định 70 như một cơn mưa sau nắng hạn, có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp thị trường ôtô Việt đứng vững trong đại dịch.
Ở góc độ khách hàng, giai đoạn 6 tháng vừa qua có thể coi là thời điểm vàng để mua xe, với số tiền bỏ ra hiệu quả nhất, dù là mua xe nhập khẩu hay xe lắp ráp trong nước.
Ngày 24/11, Bộ Tài chính có công văn xin ý kiến các bộ ngành về việc rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhằm gia hạn thêm 6 tháng đối với các khoản phí, lệ phí đã điều chỉnh giảm tại 21 Thông tư ban hành trong năm 2020.
Ngày 28/12, trong văn bản gửi tới các bộ ngành, Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng đồng ý chủ trương tiếp tục rà soát để giảm phí và lệ phí theo như đề xuất của Bộ Tài chính. Tuy nhiên trong số này không bao gồm việc giảm phí trước bạ đối với ôtô sản xuất trong nước.
Như vậy, từ ngày 1/1/2021, mức phí trước bạ ôtô sẽ không còn được hỗ trợ giảm, các mẫu xe CKD sẽ tăng giá lăn bánh từ 20 triệu đến khoảng 280 triệu đồng.
Theo Zing
Cuối năm, giá xe máy tăng giảm trái chiều
Thị trường xe máy đang bước vào giai đoạn sôi động cuối năm. Bên cạnh nhiều chương trình giảm giá kích cầu từ các hãng thì có không ít mẫu xe máy được các đại lý đẩy giá lên đáng kể tranh thủ sức mua đang tăng trưởng.