Bị đề nghị truy tố trong vụ án mới
Theo kết luận điều tra, ngày 29/10/2007, ông Đinh La Thăng thay mặt HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký nghị quyết "chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất ethanol khu vực phía Bắc" với phương thức thực hiện thành lập công ty cổ phần làm chủ đầu tư dự án.
Bị can Đinh La Thăng, với vai trò là chủ tịch HĐTV PVN, trưởng ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học của PVN, mặc dù biết liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ nhưng vẫn chủ trì, kết luận các cuộc họp về chủ trương chỉ định thầu, chỉ đạo quyết liệt và ra quyết định giao liên danh nói trên thực hiện gói thầu.
Ông Đinh La Thăng tại toà |
Kết luận điều tra xác định thiệt hại do hành vi lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ gây ra là toàn bộ số tiền lãi suất phát sinh mà PVB đã trả và số còn có nghĩa vụ trả cho các ngân hàng từ khi dự án dừng thi công đến ngày khởi tố vụ án là hơn 540 tỷ đồng.
Dự án Ethanol Phú Thọ có vốn đầu tư ban đầu khoảng 1.700 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên hơn 2.400 tỷ đồng. Được triển khai sớm nhất trong số 3 dự án sản xuất ethanol nhiên liệu của PVN, song đến nay nhà máy này vẫn chưa hoàn thành do nhà thầu là Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) dừng thi công từ tháng 11/2011.
Thanh tra Chính phủ xác định dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ đã tiêu tốn hơn 1.500 tỷ đồng nhưng đến thời điểm thực hiện thanh tra (tháng 9/2016) vẫn dang dở, bế tắc.
2 bản án: 13 và 18 năm tù
Ngoài vụ án trên, ông Thăng liên quan 2 vụ án gồm Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế khiến PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Oceanbank và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC liên quan Trịnh Xuân Thanh.
Tại vụ án án PVN góp vốn vào Oceanbank, do PVN không được thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt nên ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo thuộc cấp, trong đó có Nguyễn Xuân Sơn làm việc với một số tổ chức tín dụng để thỏa thuận góp vốn, trong đó có Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).
Sau khi được Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank) đồng ý, ông Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận tham gia góp vốn nhưng không thông qua HĐQT dù biết rõ hiện trạng của OceanBank là yếu kém. Việc làm này của ông Đinh La Thăng đã tạo điều kiện cho Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật vào OceanBank.
Hậu quả là số tiền 800 tỉ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi OceanBank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu bị Ngân hàng Nhà nước phải mua lại với giá 0 đồng.
Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng |
Liên quan tới vụ án tại PVC, theo cáo trạng truy tố, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng, với tư cách là Chủ tịch HĐTV PVN, đã có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định pháp luật.
Sau đó, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN căn cứ hợp đồng này, tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng cho PVC để các bị can tại PVC sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng sai mục đích, trái quy định, gây thiệt hại cho nhà nước.
Đối với hành vi tham ô tài sản, các bị cáo, đứng đầu là bị cáo Trịnh Xuân Thanh, người đại diện PVN tại PVC, đã câu kết với nhau và doanh nghiệp bên ngoài lập khống hồ sơ để chiếm đoạt số tiền rất lớn của PVC.
Theo HĐXX, hậu quả của vụ án là hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại hơn 119 tỉ đồng và chiếm đoạt hơn 13 tỉ đồng. Ngoài thiệt hại về kinh tế, hành vi của các bị cáo đã làm chậm tiến độ của dự án và đội vốn đầu tư lên hàng nghìn tỷ đồng.
Bốn lần hầu tòa sau khi kháng cáo cả 2 bản án sơ thẩm, ông Thăng không được giảm án. Bị cáo lĩnh 13 năm tù trong vụ án PVN góp vốn vào Oceanbank và nhận mức 18 năm trong vụ án còn lại.
Bảo Anh