Lạm phát đã ổn định và có dấu hiệu giảm, lãi suất giảm mạnh nhưng dường như vẫn còn nhiều bất lợi khiến DN chưa dám vay vốn mở rộng làm ăn.
Các tin liên quan |
Cho đến cuối tháng 3, tín dụng đã tăng trở lại nhưng đó là một mức tăng rất thấp. Trong khi đó, huy động vốn vẫn tăng cao. Dù ngân hàng đã hạ lãi suất nhưng đầu ra vẫn tắc mà vốn đầu vào thì vẫn tiếp tục tăng cao.
Tình thế ứ vốn hiếm hoi của các ngân hàng trong mấy năm gần đây là dấu hiệu tốt về thanh khoản của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đó là những chỉ báo về nguy cơ đình lạm của nền kinh tế. Trong khi ngân hàng ứ vốn, thì các DN vẫn chưa ngớt tiếng kêu thiếu vốn, khó vay vốn. Điều đáng lo ngại hơn là rất nhiều biểu hiện cho thấy, các nhà đầu tư, DN chưa dám vay vốn đề đầu tư sản xuất kinh doanh vì triển vọng thị trường chưa mấy sáng sủa. Trong khi đó, từ phía các ngân hàng, dù thừa tiền thì việc cho vay lại không hề dễ.
Nói về tình trạng này, tại buổi làm việc giữa NHNN và TP. Hà Nội, đại diện một DN lớn đã cảnh báo về tình trạng sợ đi vay và ngại cho vay đang cản trở dòng vốn trong nền kinh tế. Theo đó, có một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo và cán bộ tín dụng của các ngân hàng lo lắng, sợ trách nhiệm nên rụt rè trong việc quyết định các phương án cho vay của DN, khiến nhiều DN bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Mặt khác, không ít DN cũng tỏ ra ngại ngần, không dám vay vốn trong bối cảnh kinh tế khó khăn bởi họ vẫn chưa tìm thấy đầu ra cho sản phẩm, vẫn loay hoay với câu hỏi “không biết vay vốn để làm gì?”.
Bên cạnh đó, vị doanh nhân này cũng nhấn mạnh, đang có tình trạng cái nhìn bi quan chung về khó khăn của một bộ phản DN mà có tâm lý cảnh giác, thặt chặt làm DN tốt cũng bị vạ lây.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, các ngân hàng vẫn đang loay hoay với nợ xấu và những nguy cơ về mất thanh khoản và các tiêu chí an toàn chưa bền vững nên dù có vốn nhiều, lãi suất hạ, đưa ra các gói lãi suất ưu đãi nhưng việc xét duyệt cho vay lại đang được thắt chặt khiến cho rất ít DN đáp ứng đủ. DN đủ điều kiện thì không cần vốn, còn DN cần vốn thì không được chấp nhận. Trong khi đó, từ phía DN, sau thời gian dài khó khăn gần như đã kiệt sức nên chỉ làm cầm chừng, với tâm lý nằm im chờ đợi hơn là bung ra sản xuất.
Diễn tả tình trạng này, đại diện một hiệp hội DN từ TP. Hồ Chí Minh nói: Làm thì phá sản, không làm thì chất lâm sàng. Theo đó, với nhu cầu thị trường thấp, buôn bán ế ẩm trong khi lãi suất còn cao, làn sóng tăng giá đầu vào lại tiếp tục… khiến cho các DN càng sản xuất càng lỗ, sản xuất nhiều gây ra tồn kho lớn thì càng chóng phá sản. Ngược lại, nếu không sản xuất thì dây chuyền máy móc sẽ xuống cấp, nhân công lành nghề bỏ đi, bạn hàng và thị phần cũng bị tranh giành hết… Trong thế đàng nào cũng khó buộc DN phải làm cầm chừng để giữ mình và chờ đợi.
Nhưng chờ đợi đến bao giờ và cách nào để vượt qua chính là điều khiến DN lo lắng. Bởi vì, nhu cầu trên thị trường hiện rất thấp. Các chỉ số về tiêu dùng và bán lẻ đã cho thấy thị trường đang trải qua một giai đoạn rất trầm. Điều đó cũng dễ nhận thấy trên thực tế khi tình trạng ế ẩm, tồn kho và hiện tượng DN phá sản vẫn còn cao.
Đây là điều đã được dự đoán, nó kết quả từ giai đoạn siết chặt tiền tệ, đầu tư để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô nhưng cũng chính là một giai đoạn chuyển tiếp để điều chỉnh của người tiêu dùng, DN và cả nền kinh tế. Vấn đề là giai đoạn này kéo dài bao lâu và cần có những biện pháp gì để tháo gỡ bế tắc này. Đây chính là điều DN đang chờ đợi trong lo lắng.
Đến nay, lạm phát đã được kiềm chế cơ bản cho thấy mục tiêu ổn định vĩ mô đã được đạt được và đang duy trì một cách và vững tay. Yêu cầu bức xúc của nền kinh tế trong suốt thời gian qua là hạ lãi suất đã được thực hiện. Qua nhiều lần điều chỉnh, trần lãi suất huy động ngắn hạn đã xuống mức 7,5%/năm’ lãi suất cho vay cũng giảm từ 5 – 9% xuống mức 12 – 16% tương đương mức của năm 2007.
Mới đây nhất, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia dự đoán lạm phát cả năm sẽ ở mức 7%. Cũng với dự đoán này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tiếp tục cam kết sẽ đưa lãi suất cho vay giảm xuống 9 – 11%, các khoản lãi suất cũ về 13%. Với các yếu tố đó, điều còn lại cần phải tạo cầu đầu ra để các DN và ngân hàng nhìn thấn triển vọng, không còn nằm im chờ đợi mà bung ra để sản xuất kinh doanh.
Điều đó, trông chờ lớn nhất vào việc hỗ trợ DN, kích thích sản xuất kinh doanh. Đồng thời, xử lý tốt vấn đề nợ xấu, tồn kho của ngân hàng và DN… Đã có rất nhiều chính sách và cơ chế xử lý được đưa ra. Vấn đề còn lại là cần được thực thi một cách nhanh chóng và chính xác… Điều đó sẽ giúp khơi thông các cản trở, xóa tan các lo ngại, tạo niềm tin để DN và người dân đầu tư làm ăn thay vì nằm im và chờ đợi trong lo lắng.
Lê Khắc