- Là nhà giáo lớn tuổi nhất (72 tuổi), hoạt động trong chuyên ngành đầy đặc thù (thể dục thể thao) được phong danh hiệu Giáo sư (GS) năm nay, cô Lê Nguyệt Nga ngậm ngùi chia sẻ: “Những gì tôi đạt được đều nhờ sự hy sinh lớn lao của chồng.”
Cả cuộc đời gắn bó với thể dục thể thao
Cô Nga hạnh phúc kể về chồng (Ảnh: Thanh Huyền) |
Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở quận 11 (TP.HCM), khác hẳn với tưởng tượng ban đầu, GS Nga trông dẻo dai, hoạt bát hơn nhiều ở cái tuổi thất thập cổ lai hy.
Nghe cô kể về cuộc đời sự nghiệp của mình khiến ta hình dung bộ môn thể dục thể thao không khó khăn như vẫn tưởng. Có lẽ do tình yêu nghề của nhà giáo này quá chân thành, sâu đậm nên mọi thử thách, chông gai đều có thể vượt qua.
“Cuộc đời tôi chỉ gắn với 2 thứ: Đào tạo và nghiên cứu khoa học. Suốt mấy mươi năm nay tôi làm gì, đi đâu cũng đều liên quan tới thể dục thể thao hết.”, cô Nga cười xòa.
Sinh năm 1941, cô Lê Nguyệt Nga tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao tại Bắc Kinh (Trung Quốc) lúc 24 tuổi.Khi về nước (năm 1965 – 1968) cô làm huấn luyện viên bơi lội cho đội tuyển bơi lội Việt Nam.
Năm 1969 – 1974, cô Nga làm luận án Phó Tiến sĩ tại Hunggari. 9/1975 cô vào TP.HCM, công tác tại Sở Thể dục thể thao TP.
Năm 1976 cô Nga giữ chức vụ Trưởng phòng Giáo vụ của Trường Cán bộ Thể dục thể thao miền Nam.
Năm 1981 cô nga đã là hiệu phó trường TDTT.
Từ năm 1992 – 1996 cô Nga vừa làm Phó hiệu trưởng trường Đại học Thể dục thể thao TP.HCM, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao quốc gia. Năm 1993, cô được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Cô Nga cho biết mình nghiên cứu thể thao toàn diện, nhưng thế mạnh là các môn thể thao dưới nước (bơi, bơi nghệ thuật, bóng nước, Canoeing).
“Anh ấy đã chắp cánh ước mơ tôi bay xa”
Khi được hỏi thể thao là một ngành khá…“xương”, một phụ nữ như cô lại theo nghiệp này chắc gặp nhiều khó khăn lắm, đôi mắt nhà giáo già nhìn xa xăm như đang dẫn tâm trí trở về những ngày tháng đã qua.
“Nghề nào cũng vậy cháu ạ, thành công nào mà chẳng xây nên từ mồ hôi và…gian khổ.”, giọng bà trầm lặng.
Cô Nga kể mình sinh ra trong gia đình có truyền thống 3 đời là nhà giáo. 2 cụ thân sinh ra mình không hề có tư tưởng trọng nam khinh nữ hay cho rằng con gái không hợp với…thể thao (đây là nhận thức vô cùng tiến bộ, nhất là trong những năm 1960). Các cụ chỉ bảo: Nếu Nhà nước cần thì con cứ cống hiến.
Ngoài sự động viên, tạo điều kiện của Trường Đại học Thể dục thể thao TP.HCM, đặc biệt là ban giám hiệu nhà trường mà đại diện là GS.TS. Lê Quý Phượng – Hiệu trưởng nhà trường, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và các học sinh, cô Nga luôn thầm cảm ơn người chồng của mình. Chính ông là người chắp cánh để ước mơ của vợ được bay cao, xa hơn.
Thương chồng mới trải qua ca phẫu thuật, nằm mệt trên chiếc giường thiêm thiếp, vị nữ GS rớm nước mắt: “Chú hy sinh cho cô nhiều lắm!”
Cô Nga kể hai vợ chồng cùng một niềm đam mê. Chú tên là Đào Công Sanh (hơn cô 3 tuổi), là người miền Nam.
Năm 1968, ông Sanh là huấn luyện viên đội tuyển bơi lội QG., trước khi về hưu là Tổng thư ký liên đoàn Thể thao dưới nước TP.HCM và là Phó tổng Thư ký hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam.
Để thắp sáng cho sự nghiệp của vợ, ông Sanh đã lùi lại phía sau, quyết định làm một chỗ dựa tinh thần vững chắc.
“Cảm động lắm! Năm 1968 chỉ có một chỉ tiêu đi nghiên cứu sinh ở Hunggari. Chú có tiêu chuẩn là học sinh miền Nam, nhưng cô lại cũng được cân nhắc vì là phụ nữ. Chú đã nhường cho vợ và tủm tỉm khích lệ - Em đi trước đi, anh đi sau cũng được.”, cô Nga nhớ về những hy sinh của chồng.
Cô Nga còn biết rằng thời gian mình dành cho chồng, cho gia đình rất ít, bản thân chú Sanh thiệt thòi nhiều.
Khi biết tin mình là nữ GS lớn tuổi nhất đạt danh hiệu GS năm nay cô Nga lại càng thương và biết ơn chồng hơn bao giờ hết: “Mặc kệ các định kiến xã hội, suốt mấy chục năm chung sống vợ chồng anh ấy vào bếp nấu các món ăn ngon cho tôi, luôn muốn vợ mặc đẹp khi ra đường, đi đâu cũng rất ga lăng, nhường vợ đi trước.”.
Về hưu đã 16 năm nhưng nhà giáo Lê Nguyệt Nga đã hoàn thành được 8 đề tài nghiên cứu. Hiện nay, bà đang hướng dẫn cho 5 nghiên cứu sinh, 12 học viên cao học. Rất nhiều học trò được cô Nga đào tạo nay đã trở thành những cán bộ giữ chức vụ quan trọng. Một trong số đó là Tiến sĩ Phạm Quang Bản – Phó vụ trưởng Ban Khoa giáo Trung ương (phụ trách phía Nam), Tiến sĩ Nguyễn Thành Lâm – Giám đốc Trung tâm huấn luyện thể thao TP.HCM, Tiến sĩ Đặng Hà Việt – Phó Giám đốc Trung tâm huấn luyện thể thao TP.HCM, Tiến sĩ Chung Tấn Phong – Tổng thư ký liên đoàn Thể thao dưới nước TP.HCM, Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh – Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao TPHCM… |
- Thanh Huyền