- Theo đề án tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ, Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ 100% sở hữu nhà nước đối với 692 doanh nghiệp, tiến hành giải thể hoặc phá sản 44 doanh nghiệp.
Cụ thể, theo đề án Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội ngày 19/4, một trong những mũi trọng tâm tái cơ cấu kinh tế thời gian tới là tái cơ cấu DNNN để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Mục tiêu đề ra là nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ 100% sở hữu nhà nước đối với 692 doanh nghiệp. Phân cấp theo sở hữu thì 395 doanh nghiệp do địa phương quản lý, 171 doanh nghiệp thuộc các bộ và số còn lại là doanh nghiệp thành viên của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Thực hiện cổ phần hóa 573 doanh nghiệp, trong đó có cả một số công ty mẹ tập đoàn và tổng công ty, 187 công ty con của tập đoàn và tổng công ty, 89 doanh nghiệp độc lập thuộc bộ và 239 doanh nghiệp độc lập do địa phương quản lý.
Tiến hành giải thể hoặc phá sản 44 doanh nghiệp.
Hạn chế trách nhiệm chính trị - xã hội
Các ý kiến tại Thường vụ Quốc hội ủng hộ mũi trọng tâm tái cơ cấu kinh tế này của Chính phủ. Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển thậm chí đề nghị Chính phủ làm rõ hơn vai trò "nòng cốt" của DNNN ở bản đề án, chứ không chỉ là tái cơ cấu để đảm bảo DNNN nói chung và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói riêng "thực hiện tốt hơn vai trò của họ trong nền kinh tế".
Song thực tiễn hoạt động của DNNN thời gian qua cũng đặt ra nhiều vấn đề cho quá trình tái cơ cấu. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng cần đổi mới quan điểm nhiệm vụ của các DNNN là một công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, bình ổn nền kinh tế. Vì thực tế hiện nay, để thực hiện vai trò đó, các DNNN đã sử dụng một lượng vốn rất lớn, được ưu ái về cơ chế chính sách, gây ra sự bất bình đẳng trong sản xuất kinh doanh giữa các thành phần kinh tế, làm méo mó quy luật thị trường.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay, DNNN có nhiệm vụ quan trọng là đi trước, mở đường nên tập trung nguồn lực vào những ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp thuộc thành phần khác không đủ năng lực và/hoặc không muốn làm, những ngành đòi hỏi về vốn và công nghệ, tạo nền tảng cơ bản của những ngành sản xuất công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng cao. Khi thị trường hình thành và phát triển, rủi ro kinh doanh giảm thì DNNN phải có kế hoạch thoái vốn để đầu tư sang ngành, lĩnh vực khác.
Ảnh: Bình Minh |
Ông cho rằng cần có những tiêu chí riêng để quản lý, giám sát và đánh giá về hoạt động của các DNNN này. Ngoài ra, cần hạn chế tối đa trách nhiệm chính trị - xã hội đối với các DNNN, đồng thời giao lại các nhiệm vụ này cho chính sách tài khóa và an sinh xã hội để đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tiếp tục chương trình cổ phần hóa, thậm chí cổ phần hóa cả những tập đoàn và tổng công ty lớn mà nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ, với mục tiêu rõ ràng là thu hút các nhà đầu tư chiến lược từ các công ty đa quốc gia hàng đầu trên thế giới.
Giảm tối đa độc quyền của tập đoàn
Để đóng góp cho Chính phủ trong riêng mục tái cơ cấu DNNN, UB Kinh tế đề xuất sửa luật DNNN. Theo thời hạn, luật DNNN đã hết hiệu lực từ 1/7/2010 song nhiều ý kiến mà UB tham vấn cho thấy, luật triển khai nhưng đang để lại khoảng trống pháp lý đối với việc quản lý phần vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại các DNNN (hiện chỉ điều chỉnh bằng một số nghị định của Chính phủ và các văn bản dưới luật khác).
Vì vậy, để quản lý một lượng tài sản quốc gia rất lớn tại DNNN đạt hiệu quả, cần thiết phải ban hành một đạo luật để quản lý việc sử dụng vốn nhà nước vào mục đích kinh doanh tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng có thể xúc tiến giải pháp cải cách hệ thống quản trị đối với các DNNN và xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN và công khai các tiêu chí này để nâng cao hiệu quả giám sát việc sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
"Trừ những trường hợp đặc biệt, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, hay đối ngoại, các DNNN, không phân biệt là tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã niêm yết trên sàn giao dịch hay chưa đều phải công khai báo cáo kiểm toán của mình, nhờ đó tăng cường sự giám sát của các cơ quan chuyên môn cũng như của toàn xã hội" - ông cho hay.
Ngoài ra, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và mô hình hoạt động của tập đoàn kinh tế, xây dựng thị trường kinh doanh lành mạnh theo nguyên tắc trước mắt giảm tối đa tính độc quyền của tập đoàn, tổng công ty...
Theo đề án của Chính phủ, một trong những nội dung chương trình cơ cấu là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang có những ngành kinh doanh không liên quan, nhất là ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm thì phải tiến hành thoái vốn trước năm 2015.
Linh Thư