Theo Bộ Y tế, nhu cầu mang thai hộ là có thật và khá phổ biến, nhưng do pháp luật cấm nên ngày càng có nhiều cặp vợ chồng phải ra nước ngoài để thực hiện.
|
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường. Ảnh: Minh Thăng |
Chiều 6/11, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình QH dự án luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi).
Dự thảo luật quy định cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại nhưng cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, nhu cầu mang thai hộ là có thật và khá phổ biến, nhưng do pháp luật cấm nên ngày càng có nhiều cặp vợ chồng phải ra nước ngoài để thực hiện. Điều này gây khó khăn, tốn kém không chỉ cho các đương sự mà còn cho cả các cơ quan nhà nước trong việc quản lý về khai sinh, đăng ký hộ khẩu, hộ tịch và các vấn đề khác.
Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã được dự thảo luật quy định chặt chẽ. Cụ thể, dự thảo quy định rõ ràng và đầy đủ về điều kiện của người mang thai hộ; điều kiện của người nhờ mang thai hộ; hình thức pháp lý của việc mang thai hộ; quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên và nhiều vấn đề khác phát sinh từ việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
UB Các vấn đề xã hội đề nghị Bộ Tư pháp cần làm rõ các nội dung thỏa thuận xác lập việc mang thai hộ, quyền lợi bà mẹ và trẻ em, vấn đề thừa kế, mang thai hộ có yếu tố nước ngoài, số lần được mang thai và nhấn mạnh các quy định phải rất chặt chẽ, điều kiện phải rõ ràng cũng như các vấn đề về hình thức pháp lý của thỏa thuận, bảo đảm quyền cho các bên và nhất là đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp này, nếu không, sẽ tạo điều kiện hợp pháp hóa cho mục đích thương mại hoặc buôn bán trẻ em.
Không cấm cũng chẳng thừa nhận hôn nhân đồng tính
Dự thảo luật đã bỏ quy định về việc cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, thay vào đó là không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Tuy nhiên pháp luật cũng không thừa nhận hôn nhân của họ mà chỉ bổ sung thêm các quy định nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh từ quan hệ chung sống.
Lý giải cho sự lựa chọn này, Bộ Tư pháp cho biết mặc dù pháp luật hiện hành đã cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng việc chung sống như vợ chồng vẫn diễn ra, thậm chí có những trường hợp gia đình và người đồng tính đã tổ chức công khai lễ cưới. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng đã phải áp dụng các biện pháp khác nhau để xử lý nhưng vẫn không giải quyết được thực trạng này.
Trong điều kiện Đảng và Nhà nước chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền và trong bối cảnh quốc tế hiện nay, việc cấm đoán và xử lý hành chính như hiện hành là không còn phù hợp, do đó, cần thay đổi quan niệm và phương thức quản lý nhà nước về vấn đề trên.
Cộng đồng người đồng tính dưới nhiều hình thức khác nhau cũng đã thể hiện mong muốn được Nhà nước công nhận và bảo vệ quyền được sống theo bản dạng giới. Tuy nhiên, hôn nhân giữa những người cùng giới tính là vấn đề có tính nhạy cảm cao. Do đó, việc thừa nhận hay không thừa nhận hôn nhân của họ cũng cần phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau và phải có lộ trình, bước đi phù hợp.
Căn cứ vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là xuất phát từ quan niệm truyền thống của người dân Việt Nam về hôn nhân và gia đình, Chính phủ cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, giải pháp phù hợp nhất cho việc giải quyết vấn đề này là Nhà nước ta, một mặt, không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng mặt khác, cũng không nên cấm, can thiệp bằng các biện pháp hành chính vào quyền được sống chung của họ.
Trên thế giới, vấn đề kết hôn giữa những người cùng giới tính đã được đặt ra từ lâu và hiện nay đang được giải quyết ở các mức độ khác nhau. Tính đến nay, mới chỉ có 16 nước công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính; 17 nước mặc dù không thừa nhận hôn nhân nhưng đã thừa nhận việc chung sống có đăng ký kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính; đa số các nước còn lại đều không cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân giữa họ.Cẩm Quyên