Sinh viên các trường đại học chuyên ngành kinh doanh ở Trung Quốc sẽ có thể bảo lưu kết quả học tập để bắt đầu kinh doanh riêng là một trong những động thái của các nhà chức trách Trung Quốc trong việc đối phó với việc số các sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm ngày càng lớn.

Trang South China Morning Post đưa tin, Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết sẽ có hơn 7,5 triệu sinh viên tốt nghiệp vào mùa hè tới, cao hơn so với năm ngoái 220,000 người. Đây là con số kỷ lục sẽ gây áp lực lớn lên thị trường việc làm của Trung Quốc.

{keywords}

Thủ tướng Lý Khắc Cường giao lưu cùng các sinh viên trong chuyến thăm các trường đại học tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vào tháng trước.

Không giống với các trường đại học của phương Tây, sinh viên Trung Quốc thường sẽ phải mất 4 năm để hoàn thành nghiên cứu, làm luận văn và tốt nghiệp.

Chính vì thế, trong một Thông tư của Bộ Giáo dục gửi tới các trường đại học, cao đẳng mới đây, các trường đại học sẽ linh hoạt hơn với sinh viên nếu họ muốn hoãn lại việc học để thử một ý tưởng kinh doanh.

Các trường đại học cũng được yêu cầu mở các khóa học thực tiễn và mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư và các chủ doanh nghiệp làm cố vấn cho các sinh viên của mình.

Bên cạnh đó, các việc làm thiết thực như hỗ trợ đăng ký kinh doanh, huy động vốn và giảm thuế cũng sẽ giúp sinh viên dễ dàng thực hiện những ý tưởng kinh doanh của chính mình.

Sinh viên sẽ được khuyến khích mở các doanh nghiệp trực tuyến, nơi mà họ có thể thu hút nguồn vốn tài trợ và hỗ trợ từ các tổ chức tài chính, tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội thương mại hay công ty khác…

Trên thực tế, sinh viên phải vật lộn rất vất vả mới hy vọng kiếm được một công việc để kiếm sống, cũng bởi vậy mà vấn đề việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Vào tháng tư, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã chủ trì một cuộc họp Hội đồng Nhà nước về định hướng chính sách việc làm cho đối tượng là sinh viên mới tốt nghiệp, trong đó thảo luận về việc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hưởng các ưu đãi với điều kiện là phải thuê các sinh viên mới ra trường.

Trong một chuyến thăm sinh viên các trường đại học của tỉnh Chiết Giang hồi tháng trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng khuyến khích các sinh viên bắt đầu các ý tưởng kinh doanh của riêng mình.

Theo Tân Hoa Xã, tỷ lệ thành công của sinh viên trong lần kinh doanh khởi nghiệp đầu tiên chỉ là 2,4%, thậm chí ở tỉnh Chiết Giang, nơi ngành thương mại điện tử rất phát triển thì tỷ lệ này cũng không vượt quá 5%.

“Tôi không nghĩ rằng ý tưởng kinh doanh sớm là một vấn đề. Có nhiều nguyên do sâu xa hơn để giải thích cho việc tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp thành công còn thấp.” - Xiong Bingqi, Phó Giám đốc Viên nghiên cứu giáo dục Thế kỷ 21 cho biết.

Liu Gang, Giám đốc của China Hub, một tổ chức đào tạo kinh doanh ở Bắc Kinh, cho biết tỷ lệ thành công của các sinh viên mới tốt nghiệp là thấp hay cao cũng không quan trọng, ai cũng có những bước đi khó khăn đầu tiên. Quan trọng là sinh viên sẽ học được nhiều bài học thực tế và thu được nhiều kinh nghiệm hơn để bắt đầu lại. Những bài học như vậy, sinh viên sẽ không thể có được kể cả khi được làm việc ở những công ty lớn.”

Thu Phương (Theo South China Morning Post)