- Hàng vạn người chen chân trong phiên chợ “mua may bán đắt” tại chợ Viềng (Vụ Bản - Nam Định) khiến nghĩa trang, ruộng cấy hai bên đường cũng bị trưng dụng làm bãi gửi xe.

>>Đi chợ Viềng mua... thịt bò cầu may

Quây nghĩa trang làm bãi gửi xe

Chợ Viềng - phiên chợ mua may bán đắt lớn nhất trong các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ đã khai phiên vào tối qua (mùng 7 Tết). Hàng vạn khách thập phương từ các nơi dồn đến đã khiến chợ luôn trong tình trạng quá tải.

{keywords}

{keywords}

Người dân địa phương trưng dụng cả nghĩa trang để làm bãi giữ xe kiếm thu nhập trong dịp chợ mở phiên.

Từ rất sớm, người dân địa phương đã quây cả nghĩa trang xã Trung Thành, rồi mang cốp-pha đóng thành ván trên các thửa ruộng chưa đổ nước để làm nơi trông giữ xe; dựng sạp trên mặt con mương hai bên đường vào chợ để làm hàng quán; phá tan bờ mương để làm lối lên xuống cho khách…

Rất nhiều bãi giữ xe “dã chiến” như vậy đã mọc lên ngay trong buổi chiều ngày 14/2 - trước khi chợ khai phiên đúng vào thời điểm Phủ Giầy mở lễ.

{keywords}

Bắc ván trên mặt mương…

Giá trông giữ xe máy giá 20 ngàn đồng, ô tô từ 100- 150 ngàn đồng. Càng về khuya, giá phí càng cao, lên tới 200 ngàn/ô tô. Đến khoảng 12h đêm, hầu hết các bãi giữ xe đều chật cứng với hàng nghìn xe máy ken đặc.

Để đảm bảo an ninh, chống ùn tắc ở trung tâm chợ, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ đã ngăn không cho xe ô tô vào cách chợ cả chục km. Điều này vô hình trung đã tạo thêm công ăn việc làm cho hàng trăm xe ôm (cũng là người địa phương) có cơ hội kiếm thêm thu nhập.

Anh Nguyễn Văn Thường (xã Kim Thái) cho biết, từ chiều đến khoảng 12h đêm, anh đã chạy được vài chục “cuốc”. Quãng đường từ chỗ xe ô tô bị cấm đến chợ khoảng 8km, anh lấy giá 80 - 100 ngàn đồng.

Các phiên chợ trước, anh Thường bỏ túi cả chục triệu tiền chạy xe ôm, “tăng bo” khách từ quốc lộ 21 vào đến chợ.

Hàng trăm người dân địa phương thuộc các xã Trung Thành, Kim Thái và các xã lân cận đều tranh thủ "tăng gia" giống anh Thường.

“Ai không chạy xe ôm thì mở hàng nước, bán đồ ăn vặt, giữ xe, người bán giấy sớ, vàng hương, cây lộc… cũng kiếm được cả triệu bạc. Mỗi năm, lượng khách đổ về càng nhiều nên chúng tôi càng có nhiều cơ hội” - anh Thường thật thà.

Một đêm tiêu thụ cả chục tấn thịt bò

Không chỉ cây cối, đồ nông cụ…, khách đi chợ Viềng, đi lễ Phủ Giầy nhiều năm gần đây có tâm lý bỏ tiền ra mua một miếng thịt bò về nhà đầu năm cho may mắn.

Do đó, dọc các trục đường liên xã Trung Thành - Kim Thái (hai xã chính có hội Phủ Giầy và chợ Viềng) các phản thịt được bày bán dày đặc. Chị Thanh (chủ hàng thịt bò gần chùa Tháp Tiên) vừa quệt mồ hôi vừa nói: "Từ chiều tới giờ, nhà tôi đã giết 3 con bò. Nếu trời thương, khách đến chợ đông đến tận sáng thì sẽ thịt thêm hai con nữa".

{keywords}

{keywords}

Những hàng quán bán thịt bò mọc như nấm dọc các trục đường chính đổ về Chợ Viềng - Phủ Giầy.

Theo chị Thanh, mỗi con bò khoảng 500kg, giá bán giao động từ 180 - 250 ngàn đồng/kg, ước tính số thịt bò trong đêm chợ Viềng đã “tiêu thụ” phải hàng chục tấn.

Để phục vụ kịp nhu cầu mua của khách, cả nhà chị Thanh đã huy động gần chục nhân công.

{keywords}

Cây cối được bày bán trong phiên chợ cầu may.

Trong các gian hàng bán cây cối, đồ nông cụ… được dựng rạp tạm bợ, những chủ hàng mệt mỏi khi có người thay mới chịu nằm ngủ lăn lóc trên manh chiếu lạnh lẽo, chỉ có tấm chăn chiên trùm kín đầu.

Giữa dòng người xuôi ngược không ra hàng lối, những nông dân “chuyển nghề” làm xe ôm chỉ trong hai ngày cũng phơi mặt giữa sương đêm để chèo kéo khách.

Chồng chị Thanh quyết định mang đến con bò thứ tư vừa mổ, chưa kịp xẻ thịt để vợ con kịp bán.

Mùa xuân mang đến hạnh phúc. Ở chợ Viềng - Phủ Giầy, mỗi người nhận theo một cách khác nhau.

'Máy chém' kinh hoàng ở chợ Viềng

Do quá tải, xe rất đông nên chủ các bãi gửi xe “hét giá” 200.000 đồng/1giờ gửi xe ô tô. Tại bãi gửi xe phía bên hông phải của chùa Tiên Hương (nằm ở Quốc lộ 38B), giá gửi xe 2 tiếng là 600.000 đồng và cứ thế tăng lên nếu thời gian gửi lâu hơn.

Anh Nguyễn Văn Tiến (Hà Nội) giật mình với giá gửi xe này: "Tôi đã trót đánh xe vào bãi rồi nên đành chấp nhận, không muốn đôi co nhiều”. Nhiều du khách sau khi gửi xe xong ra trả tiền mới ngớ ra là mình bị “chặt chém”.

Với tâm lý cả năm có một ngày nên một số người dân ra sức “chém”. Chuyện ăn bát phở 60.000 đồng, mua cân thịt bò 350.000 đồng hay uống chai nước ngọt vài chục nghìn là chuyện bình thường ở đây.

Chợ cầu may, may đâu chưa thấy nhưng hầu hết du khách tới chợ Viềng năm nay đã phải ấm ức ra về với những “vết chém” nhớ đời.

Ngoài ra, ăn xin tại chợ Viềng vẫn là vấn nạn của tỉnh Nam Định.

Nhị Tiến

Kiên Trung