Choáng ngợp và xúc động có lẽ là nhận xét của hầu hết mấy ngàn khán giả ra về sau show diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” diễn ra tối 18/03/2018 trên sân khấu kỷ lục Việt Nam rộng 25.000m2 nằm giữa dòng sông Thu Bồn nổi tiếng của xứ Quảng.
Bối cảnh sân khấu thực cảnh “Ký ức Hội An” được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt Nam”.
Không chỉ có sân khấu lớn, Ký ức Hội An còn là show diễn quy tụ hơn 500 diễn viên, là một kỷ lục mới được xác lập cùng biểu diễn 5 màn của câu chuyện về Faifo trải dài qua 4 thế kỷ. Những điểm mạnh của sân khấu thực cảnh được tận dụng tối đa với những dãy nhà phố cổ không khác gì kích thước của những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi đang tọa lạc ngay bên kia bờ sông, với những chiếc thuyền buồm to lớn cùng một mặt nước kéo dài ngang sân khấu cả trăm mét được vẽ lên những sắc màu lung linh của ánh sáng mapping hiện đại, với sự trợ giúp của những khối module to lớn được di chuyển tạo bối cảnh trong mỗi lúc chuyển màn.
Con đường tơ lụa ánh sáng được vẽ bằng hiệu ứng mapping khiến hàng ngàn khán giả choáng ngợp, xúc động.
Vở diễn là câu chuyện dài được kể lại khúc chiết bằng ngôn ngữ của múa hiện đại, của hoạt cảnh lớn, của âm nhạc và thơ ca. Từ mở màn của người dẫn truyện, cô gái trong tà áo dài ngồi bên chiếc khung cửi thời gian dệt ra những đường tơ ký ức. Những đường tơ dài như vô tận mà trên đó là những thiếu nữ trong những tà áo dài lụa bước đi nhẹ nhàng, đưa khán giả ngược về với một Lâm Ấp phố với cảng biển Đại Chiêm xa xưa được dựng nên bởi những cư dân bản địa đầu tiên xẻ gỗ dựng nhà, đánh bắt cá tôm.
Diễn cảnh lễ cưới lộng lẫy của đức vua Chế Mân của vương quốc Chăm-pa và Huyền Trân Công chúa của Đại Việt giữa uy nghi đền tháp, giữa muôn vàn binh lính và những điệu múa Chăm vui tươi hội hè chính là câu chuyện thứ hai được kể. Màn ba, có lẽ là màn diễn mang lại nhiều cảm xúc cho người xem nhất với câu chuyện người phụ nữ thủy chung của mảnh đất Faifo với tình yêu mãnh liệt của mình, chờ người yêu là thuỷ thủ đi biển không về đến hóa thành tượng đá. Màn được kết bằng cảnh chàng trai trở về đau khổ vật vã bên pho tượng trong ánh đèn của dãy đèn lồng ma mị và sương khói vảng vất…
Màn 3 “Đèn và Biển” của show diễn đã lấy nước mắt của không ít khán giả
Câu chuyện của thương cảng Hội An thế kỷ 17 được kể tiếp với những thương nhân Nhật Bản, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Phúc Kiến, Ấn Độ… đến mua bán nhộn nhịp, trong không khí giao lưu hội hè tưng bừng với những người dân bản địa. Thời kỳ có thể gọi là hoàng kim của thương cảng sầm uất nhất Đại Việt thời bấy giờ được những thiếu nữ trong tà áo dài tha thướt, đạp xe trên những sợi tơ dệt từ chiếc khung cửi thời gian, dẫn dắt đến Hội An thời nay với sự hòa nhập và phát triển rất riêng mà không có nơi nào giống vậy. Một Hội An hiện đại vẫn giữ nguyên bên mình các giá trị tinh hoa vốn có.
Hàng trăm cô gái trong tà áo dài trắng tha thướt gợi nhắc một Hội An hoài cổ, thâm trầm…
Những con đường tơ lụa của giao thương, những chiếc đèn lồng thắp sáng ấm áp là những điểm nhấn xuyên suốt cho câu chuyện của “Ký ức Hội An” mà chúng dường như cũng chuyên chở cho người xem vẻ đẹp riêng của phố Hội, của con người vùng đất thiêng này.
Sự giúp sức của phương tiện âm thanh, ánh sáng hiện đại và thiết kế sân khấu thực cảnh quy mô từ các chuyên gia hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực này mới chỉ mang đến một phần cho ấn tượng show diễn. Chính những diễn viên đến từ khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam với những xúc cảm của mình mới là người mang những ý tưởng, sáng tạo của đạo diễn, biên đạo và kịch bản truyền cho khán giả. Trên sân khấu có chiều rộng, chiều dài hàng trăm mét, cả những diễn viên ở vị trí xa nhất tưởng như không thể nhìn rõ cũng biểu diễn hết mình từng động tác, từng biểu lộ trên khuôn mặt.
Những hoạt cảnh đầu tư công phu của show diễn “Ký ức Hội An” mang đến một đêm thưởng thức nghệ thuật mãn nhãn và ấn tượng cho khán giả.
Tôi vẫn nhớ cảm giác thực sự nổi gai ốc của mình khi solist nữ múa trong vai người đàn bà hóa đá nhỏ nhoi, quay cuồng chạy mấy lượt trên sân khấu rộng lớn, băng qua hồ nước ra ngóng tin chồng khi trời nổi cơn bão dữ. Tóc cô ướt, gương mặt ướt, quần áo ướt và đôi mắt của cô cũng ướt mở to nhìn tuyệt vọng về phía những ánh chớp hãi hùng trên nền trời.
Ký ức Hội An tuy mới diễn công bố đêm đầu nhưng chắc chắn sẽ là một điểm nhấn cho những ai đến Hội An muốn được đắm chìm trong không gian nghệ thuật để hiểu thêm về vùng đất mà mình đang muốn khám phá. Và cả với những người đã trót yêu Hội An từ rất lâu như tôi hay những người dân Hội An bản địa, show diễn cũng là một nơi phải đến để bản thân được sống trong cảm xúc và ấn tượng ngập tràn, để thấm thía vì sao mình lại yêu vùng đất, con người bình dị nơi đây đến như vậy.
Nhiếp ảnh gia Na Sơn