Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu giáo dục quốc gia tại Anh mới đây cho thấy, hàng trăm học sinh tiểu học đến trường vẫn còn mặc tã. Cứ một trong 10 hiệu trưởng các trường tiểu học lại nói có ít nhất một em còn mặc tã trong lớp; trong 20 giáo viên thì cũng có một người cho rằng có ít nhất một em trong độ tuổi từ 7 -11 vẫn mặc tã dù không bị bệnh tật gì.

Cô Anne-Marie Middleton, hiệu phó một trường ở Dover cho biết, các em thường mắc cỡ không thú nhận là mình vẫn còn mặc tã: “Số học sinh đến trường không biết cách đi vệ sinh cũng tăng lên đáng kể theo thời gian. Có em đã 11 tuổi vẫn mặc tã cả đêm”.

Theo các chuyên gia giáo dục, trẻ cần được hướng dẫn đi vệ sinh lúc lên hai tuổi rưỡi, đến ba tuổi đã phải thành thục.

Sarah Smith, một giáo viên tiểu học đã bỏ nghề kể lại: “Nhiều bà mẹ đưa con đến trường với chiếc tã dày cộp trong quần mà không hề thấy xấu hổ. Khi tôi nhẹ nhàng góp ý vài mẹo nhỏ để dạy các em cách tự đi vệ sinh, họ lại cho rằng rắc rối quá và đùn đẩy trách nhiệm cho các cô trong trường. Các bà mẹ ngày nay quá cưng con, thay vì nghiêm khắc dạy con cách đi vệ sinh, chỉ cần đứa bé cau mày không chịu là các bà vội vã chiều ý con. Thế là cô giáo và trợ giảng phải thay tã và từng bước hướng dẫn cho bé biết cách giơ tay lên mỗi lần muốn đi vệ sinh. Mất rất nhiều thời gian để bé thành thục, chưa kể việc bé bị bạn bè chọc ghẹo và bịt mũi mỗi khi đến gần”.

Thời gian đầu, cô Sarah nghĩ đây chỉ là vài trường hợp cá biệt. Tuy nhiên, tình trạng ngày càng gia tăng. Thay vì dạy chữ cho các bé, cô khá mất thời gian cho việc thay tã và hướng dẫn các bé cách đi nhà vệ sinh.

{keywords} 

Nhưng đây chỉ là cái chóp của tảng băng chìm. Nhiều trẻ đến trường còn không biết cách cầm dao nĩa, chưa bao giờ cầm đến bàn chải đánh răng. Một số khác không có khái niệm là phải ăn món chính trước rồi mới đến món tráng miệng. Cá biệt có bé còn ngậm ti giả đến bảy tuổi. Với những kỹ năng phức tạp hơn một chút như cột dây giày hay tự mặc quần áo, số đông vẫn chưa tự làm được.

Cũng theo cô Sarah, cô và đồng nghiệp phải cắt giờ của bài giảng từ 15 - 20 phút để hướng dẫn cho bé các kỹ năng trên. Nhiều trợ giảng và cả giáo viên, trong đó có cô Sarah đã nghỉ dạy vì không chịu nổi những áp lực và công việc mà phụ huynh đặt lên vai họ.

Cô Middleton cho rằng cuộc sống bận rộn của cha mẹ là nguyên nhân của vấn đề. Các thầy cô khác tham gia cuộc khảo sát nói thêm rằng, không chỉ các bậc bố mẹ vất vả với việc mưu sinh, cả các em sinh ra trong gia đình khá giả, có bố mẹ là những người trí thức, thì họ cũng lười biếng, đẩy hết trách nhiệm dạy con cho người khác; từ việc thuê gia sư kèm trẻ làm bài tập ở nhà, đến việc không cho trẻ tham gia vào các câu lạc bộ ngoại khóa vì ngại đưa đón. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi các bậc cha mẹ này chọn việc nhẹ nhàng là để trẻ mặc tã cho đến khi chúng đủ tuổi đến trường.

Cô Janet Marsh, giáo viên một trường trung học vùng Kent đang phụ trách chương trình giúp các em cách tự đi vệ sinh cho biết, nhiều em 14-15 tuổi không có vấn đề về sức khỏe vẫn gặp trở ngại trong việc tự làm vệ sinh cá nhân: “Đây là một tình huống cực kỳ nghiêm trọng. Các em mất 25% bài giảng trong lớp vì phải được đưa ra ngoài thay tã”.

Phụ huynh của các học sinh này thiếu kiến thức về những chặng đường phát triển mỗi trẻ em cần có ở mỗi giai đoạn đã đành, họ còn không biết điều này tác động rất lớn đến sự phát triển của các em. Trẻ sẽ không thể nào trưởng thành thật sự nếu cha mẹ cứ xem chúng là nhỏ dại.

Trên các diễn đàn, một số người kêu gọi nhà trường cấm cho trẻ mặc tã đến lớp. Vấn đề xem ra không chỉ đơn giản là cấm mà các bậc phụ huynh cần trang bị thêm kiến thức, dành nhiều thời gian hơn cho con cái để chúng có thể phát triển toàn diện.

(Theo Telegraph/Daily Mail/PNO)