- Dù đã được xác định tư tưởng trước: “Nghe giá trước, nước mất ngon đi em ạ”, nhưng Thu Thủy (Từ Liêm, Hà Nội) vẫn “ngã ngửa” vì cốc trà đá của mình có giá bằng hai chai nước lọc.
Toát mồ hôi với nạn "chặt chém" đầu năm
Người lớn xì xụp "vay nợ" bà chúa Kho, trẻ em chen nhau xem lễ hội chém lợn
Du xuân trong tiết trời nóng nực, nhiều du khách tại Hà Nội đành phải “bấm bụng” chịu cảnh chặt chém. Theo khảo sát của PV tại một số hàng quán trên đường Thanh Niên và khu vực lân cận chùa Trấn Quốc, giá của một chai nước lọc dao động từ 10.000 – 20.000 đồng/chai, nước mía 20.000 đồng/cốc (trong khi giá ngày thường chỉ bằng một nửa). Tại Phủ Tây Hồ, hoa hồng 10.000 đồng/3 cành (trong khi tại chợ hoa Quảng An chỉ có giá 1.000 đồng/cành),...
|
Mệt mỏi vì thời tiết nóng nực, nhiều du khách đành phải chấp nhận giá đắt cắt cổ. Ảnh: Đỗ Dung |
Chị Thu Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) chấp nhận cái giá 10.000 đồng/3 bông hoa cúc vàng và thêm một lễ 50.000 đồng (gồm 1 thẻ hương và 2 cây lá vàng) để mang vào lễ tại chùa Trấn Quốc. Nhiều người mệt mỏi với cái nóng nực bất thường của ngày đầu xuân nên chỉ muốn nhanh chóng tìm một chỗ nghỉ chân. “Ngày đầu năm, người ta đi đông, ngại mặc cả. Đành phải chấp nhận thôi”, người mua hàng nhìn nhau thở dài.
Xe đạp bị bơ, xe máy è cổ chịu chặt chém
Hất hàm, cầm xấp tiền lẻ xua xua chủ nhân của chiếc xe đạp, người coi xe gắt gỏng: “Xe đạp biến đi chỗ khác, không thấy ở đây hết chỗ rồi à?”. Những bài gửi xe rộng tới cả trăm mét vuông cũng không còn một chỗ trống vì đã kẹt cứng xe máy, ô tô.
|
Bãi gửi xe vào chùa Trấn Quốc đông nghẹt. Xe máy phải chui qua cả dải phân cách. Trong khi giá quy định cho một xe máy là 3.000 đồng, xe đạp là 2.000 đồng, tuy nhiên, xe đạp bị chối đây đẩy, còn xe máy phải “nghiến răng” theo giá tự phát, chịu tới 10.000 – 20.000 đồng/xe, tùy nơi gửi. |
Anh Thanh thở dốc vì vừa vất vả rút được chiếc xe ra khỏi bãi gửi xe và chùa Trấn Quốc: “Xe đạp không được vào đã đành, xe máy cũng phải chen nhau tới nửa tiếng đồng hồ mới ra được khỏi bãi. Lại còn bị chém gấp đôi ngày thường. Đầu xuân đi chùa lấy may, không thì ở nhà cho lành”.
Nhiều du khách còn rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi lỡ hỏi giá mà không mua. “Một cành hoa hồng bé như thế kia mà hét 10.000 đồng, thử hỏi ai dám mua?”, anh Hùng (Thụy Khuê, Tây Hồ), phân trần. Anh còn rất khó chịu trước cảnh chèo kéo, mè nheo của những người thợ chụp ảnh thuê trước cổng chùa Trấn Quốc: “Tôi đã nói tôi đến đây chỉ để cầu may đầu năm, nhưng chị ta cứ cố tình chụp ảnh rồi đòi tôi trả tiền. Nào thì 30.000 đồng lấy ngay này. Nào thì giở chiêu trò phải về có việc gấp nên mè nheo chụp ảnh xin chút tiền lấy may đầu năm. Thật phiền phức”.
Kem và bún ốc… cháy vì du xuân ngày nóng
Nóng nực, kem Tràng Tiền hay kem Hồ Tây lại là địa chỉ tin cậy cho những tín đồ ưa du xuân. Thạch dừa xiêm cũng “hot” không kém. Bà Thanh Ngọc, chủ cửa hàng kem Ngọc Duy (đường Thanh Niên) mướt mải phục vụ du khách: “Từ sáng tới giờ phải đến cả trăm lượt khách rồi, thạch dừa hết, cà phê hết, nhìn khách bỏ sang hàng trà sữa bên cạnh cũng thấy tiếc lắm”.
|
Kem Hồ Tây đông nghẹt, làm nóng cả một góc đường Thanh Niên |
Chị Hạnh, chủ một cửa hàng kem bên Hồ Gươm hồ hởi: “Thời tiết nắng nóng ủng hộ dân buôn chúng tôi. Cửa hàng chỉ bán kem ốc quế Celano, giá cũng nhỉnh hơn ngày thường chút đỉnh. Vậy mà ngày cũng hết veo 50 chiếc. Ra Tết, kể cũng lãi lắm”.
|
Một cửa hàng trên phủ Tây hồ |
Dạo qua một vòng “phố” bún ốc Hồ Tây mới thấy sức nóng của thức quà này. “Trong Tết, vì quá ngấy đồ dầu mỡ, bún ốc mát lành là lựa chọn số một của thực khách”, anh Tiến Đạt, chủ một cửa hàng bún ốc ven hồ Tây cho hay. Giá bún ốc dao động từ 40.000 – 50.000 đồng/bát, nhỉnh hơn so với ngày thường, nhưng càng về tối, phố bún ốc Tây Hồ ngày càng nhộn nhịp.
Lý giải về sự tăng giá, chị Toàn, chủ quán bún ốc tại Phủ Tây Hồ cho biết: “Ốc nhập về loại nhỏ 70.000 đồng/kg, loại to 110.000 đồng/kg vì ốc nhập từ trước Tết, chết nhiều nên giá phải nhỉnh hơn chút, thêm nữa, giá rau trong Tết khan hiếm nên chúng tôi đành phải tăng giá, vì miếng cơm manh áo cả”.
Đỗ Dung