Hằng năm cứ vào cuối thu, như lời bác Thanh Tịnh viết trong Tôi đi học, khi học sinh bắt đầu tựu trường cũng là lúc nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng với số tiền trường phải nộp. Ngày hồi hộp nhất là ngày họp phụ huynh học sinh đầu năm học.
>> Nhiều khoản thu 'ép' trẻ nghèo nghỉ học
>> Trường học thu nhiều khoản 'không biết để làm gì'
>> Trường học không có 'tự nguyện bình quân'
Bởi ngày đó phụ huynh sẽ biết chính xác số tiền phải nộp cho con là bao nhiêu. Tiền nộp cho nhà trường để con mình được đi học - một khoản tiền (trên lý thuyết) - là quá chính đáng và minh bạch. Thế nhưng không hiểu tự bao giờ nó lại trở thành một khoản thu bí ẩn.
Cầm cái danh sách dài dằng dặc các khoản tiền nộp cho con, từ tiền ghế ngồi, tiền quỹ hội phụ huynh, tiền khuyến học, tiền nước uống... còn có thêm khoản gọi là “xã hội hóa”. Có khoản “xã hội hóa” của trường thu riêng và “xã hội hóa” của lớp thu riêng nữa.
Trước đây, các trường có thu một khoản gọi là tiền “xây dựng trường” dùng để cải tạo cơ sở vật chất. Những năm gần đây, sở không cho thu tiền xây dựng nữa thì các trường chuyển qua thu tiền “xã hội hóa”. Mà khái niệm “xã hội hóa” thì rộng hơn “xây dựng” nhiều nên đương nhiên số tiền thu phải lớn hơn.
Năm học này, Bộ GD-ĐT lại ra quy định về tài trợ. Chuyển sang tài trợ chưa chắc đã hạn chế được lạm thu mà còn nảy sinh nhiều điểm bất cập khác. Trước hết, sẽ mất cân bằng về cơ sở vật chất giữa trường được tài trợ nhiều và trường ít có nguồn tài trợ. Sẽ thiếu bình đẳng không chỉ cho học sinh mà cả giáo viên. Không ai dám hi vọng sẽ nhận được nhiều khoản tài trợ mà không gắn với điều kiện nào.
Chính vì thế, nhiều người kháo nhau rằng với khoản gọi là “tài trợ”, chúng ta đang chuyển dần từ “xã hội hóa” sang “thương mại hóa” các trường học. Còn nếu thật sự khi có tài trợ không gắn với bất cứ điều kiện nào thì cơ sở vật chất của các trường có được cải thiện hơn so với thu tiền trực tiếp từ phụ huynh (vốn có gắn với điều kiện cụ thể)?
Có vẻ lại thêm một cách xử lý vấn đề từ ngọn được đưa ra. Cấm lạm thu mà không giải quyết nguyên nhân hay đưa ra những chế tài cụ thể thì đâu cũng lại vào đấy. Ví như khi xây dãy trường học cao tầng lại không thiết kế đường ống nước vào nhà vệ sinh. Cửa sổ và cửa kính lại được làm bằng kính mỏng và trong suốt, chỉ cần gió đập mạnh là vỡ và vào những ngày nắng thì ngồi trong lớp cũng chói chang chẳng khác gì ngoài trời.
Trong hoàn cảnh ấy, các trường phải lắp đường ống nước, thay cửa kính, lắp rèm cửa... Tiền ấy lấy ở đâu ra nếu không bắt phụ huynh “tự nguyện” đóng góp? Truyền thống “hiếu học - tôn sư trọng đạo” của người Việt cần được xem là thế mạnh để phát huy chứ không phải là điểm yếu để tận dụng thu nhiều hơn.
Theo Minh Thư (Tuổi trẻ)