- Họ có điểm chung là cùng mê đĩa than, nghe nhạc cầu kỳ và cùng sở hữu những thiết bị 'độc'.
Họa sĩ Quách Đông Phương bên dàn thiết bị nghe nhạc "khủng" tại gia.
Kỳ lạ là trong khi người ta đang ào ào lao theo âm thanh số thì họ chỉ mê mẩn trò chơi âm thanh analog và âm ly bóng đèn. Anh Trần Hải Đăng là dân học và nghiên cứu nhạc chính hiệu (hiện là Viện Phó Viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia VN) còn họa sĩ Quách Đông Phương thì nổi tiếng từ lâu trong giới là người sành âm thanh. Họ không chơi với nhau nhưng biết nhau và cùng có hàng chục năm sưu tầm đĩa than với số lượng lên tới cả ngàn đĩa.
May mắn là tôi đều được gặp cả hai và được cả hai anh mở nhạc chiêu đãi trong không gian sống hết sức riêng tư của họ. Họa sĩ Quách Đông Phương thì có một không gian nghe nhạc mơ ước ngay trên tầng 2 căn nhà mặt đường trên phố Sơn Tây với la liệt đĩa, máy quay băng cối, âm ly, đầu đọc đĩa than và bộ loa độc nhất vô nhị. Còn anh Đăng thì cất giấu những thiết bị nghe nhạc cũng vào hàng "chỉ có mình mới có" trên căn hộ nằm tít tắp trên tầng 5 của một khu tập thể cũ trên phố Thái Hà.
Bộ loa gần trăm tuổi thuộc hàng "độc" của anh Đăng.
Câu chuyện với hai người đàn ông trạc tuổi nhau, cùng sở thích đều xoay quanh mỗi một chủ đề: âm nhạc. Vì đều là những người am hiểu về âm thanh nên cả anh Phương và anh Đăng đều có những dàn âm thanh tuyệt hảo. Chất lượng các dàn âm thanh này phụ thuộc vào người chơi, gu nghe nhạc cũng như độ am hiểu của họ. Do là dân phòng thu nên anh Đăng tự set up dàn âm thanh cực chuẩn, có thể cắt đi những tần số không mong muốn đủ để bật tiếng to nhưng không làm phiền lỗ tai của những người xung quanh.
Anh bảo dù bật nhạc rất to nhưng vợ anh ngồi làm việc ngay ở chiếc bàn cách bộ loa chỉ nửa mét vẫn không cảm thấy khó chịu. Để minh chứng cho điều này, anh mở một đĩa nhạc Jazz khiến tôi có cảm giác như đang ngồi trong nhà hát nghe trực tiếp người nghệ sĩ chơi piano vậy. Thứ âm thanh mê hoặc phát ra từ bộ loa 'khủng' to quá khổ khiến tôi bị chinh phục hoàn toàn bởi sự chân thực.
Anh kể bộ loa này anh mua cách đây chừng 10 năm, từ Mỹ, hiệu Western Electric đình đám của Mỹ. "Khi ấy nó rách nát lắm nên tôi phải thuê nghệ nhân làm lại. Thời điểm đó giá của nó là 5000 USD nhưng giờ gần như là không có giá vì không còn nữa, có bao tiền cũng không mua được. Nó có thể cho ra thứ âm thanh tuyệt hảo và sống động vô cùng", anh nói.
Họa sĩ Quách Đông Phương cũng sở hữu bộ âm ly hiệu Western Electric vào hàng siêu 'độc' sản xuất từ năm 1956. Khi mới tung ra thị trường, bộ âm ly cổ lỗ này có giá nửa triệu đô. Ban đầu bộ âm ly này thuộc sở hữu của một ông già mù có 2 con trai làm cho những hãng đĩa nổi tiếng thế giới. Năm 1998, khi vào Sài Gòn, Quách Đông Phương đã được nhìn thấy bộ âm ly này nhưng chỉ dám xin chụp ảnh về ngắm. May sao, gia đình ông già mù vì nhiều lý do nên phải bán bộ âm ly đi. Nó rơi vào tay ông bạn buôn bán thiết bị âm thanh của Quách Đông Phương. Kết quả là bây giờ anh đã làm chủ được bộ âm ly vô giá.
Cả hai anh đều mê đĩa than, thích băng cối. Họa sĩ Quách Đông Phương từng tâm sự chưa khi nào anh giảm niềm đam mê chơi đĩa nhựa. "Nghe đĩa than có một âm thanh rất đặc biệt, bật to đến mấy vẫn có thể nói chuyện với nhau được, âm thanh tự nhiên và nghe không mệt như bật CD. Chơi đĩa nhựa tạo một phong thái rất hay, không thể ăn xổi được. Nguồn âm của đĩa than là analog từ trong phòng thu nên chất lượng rất tốt, âm thanh trung thực, tự nhiên. Tôi thấy đĩa CD bây giờ mang tính giải trí hơn là thưởng thức nghệ thuật bởi bản thân đĩa than có chất lượng âm thanh rất cao. Những người nghe hi-end vẫn thích nghe đĩa than là vì thế".
Nghe nhạc số mà đạt được chất lượng âm thanh như đĩa than thì cần những thiết bị hi-end giá cao ngất ngưởng nên thường không dành cho người nghe bình dân. Chính vì thế đĩa than vẫn luôn có chỗ đứng với dân nghiền âm thanh. "Sau thời gian nghe nhạc số, quay lại đĩa than và băng cối sẽ thấy âm thanh khác hẳn. Tôi nghĩ đó cũng là một cách để sống chậm lại", anh Đăng nói.
Hạnh Phương