Chiều 8/10, ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương đã đi khảo sát các mô hình sản xuất nông nghiệp tại xã An Bình, huyện Phú Giáo.​

Tại ấp Cà Na, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác đã thăm, khảo sát mô hình trồng tiêu của ông Phạm Văn Dũng - nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện giai đoạn 2019-2023. 

Trên diện tích 15.000m2, ông Dũng trồng 2.600 nọc tiêu, sản lượng đạt 4 tấn/hecta/năm, lợi nhuận đạt 400 triệu đồng/hecta/năm. Sản phẩm tiêu hạt đạt chứng nhận GlobalGAP và "Nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Phú Giáo" và hiện đang đăng ký hồ sơ mã số vùng trồng theo nhóm hộ trồng tiêu. 

​​​Tiếp đến, Bí thư Tỉnh ủy cũng đi khảo sát mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của ông Nguyễn Hồng Quyết. Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao quy trình sản xuất công nghệ cao của mô hình. Điểm nổi bật là giảm 20% chi phí sản xuất, giảm 70% lượng thuốc bảo vệ thực vật do sản xuất trong nhà màng. 

Cùng với diện tích trồng dưa lưới của gia đình, ông Quyết còn vận động nông dân thành lập Hợp tác xã Kim Long với 90 thành viên, tổng diện tích 22 hecta; sản lượng thu hoạch mỗi năm trên 2.000 tấn. Thương hiệu dưa lưới Kim Long đạt chứng nhận GlobalGAP năm 2019, chứng nhận OCOP 3 sao năm 2020.

anh 32.png
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi tham quan mô hình trồng tiêu của ông Phạm Văn Dũng. Ảnh: UBND Tỉnh Bình Dương

Tại ấp Nước Vàng, Bí thư Tỉnh ủy cùng Đoàn công tác ấn tượng với mô hình trang trại tổng hợp, kết hợp trồng trọt và chăn nuôi của ông Đinh Ngọc Khương. Trang trại tổng hợp gồm 5 hecta cây sầu riêng, 4 hecta cao su, trang trại gà đẻ quy mô 600.000 con/năm, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm rượu các loại. 

Đặc biệt, mô hình trang trại nuôi gà theo tiêu chuẩn an toàn sinh học quy mô lớn có mức đầu tư trên 30 tỷ đồng. Với hệ thống 28 máy ấp trứng đã phân bổ con giống cho các trại gà thịt và cung cấp giống cho các hộ chăn nuôi. Trang trại còn liên kết với các công ty cung cấp thức ăn, thuốc, dinh dưỡng và phân phối sản phẩm đầu ra thịt gà thành phẩm.

Qua tham quan, tìm hiểu về quy trình sản xuất, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi biểu dương tinh thần dám nghĩ, dám làm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả của các hội viên nông dân xã An Bình. 

Đồng thời, đề nghị các sở, ngành và các trường Đại học phối hợp đi sâu nghiên cứu, chọn lọc giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng để nông dân đầu tư; tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Nghiên cứu, mở rộng thị trường, ký kết dài hạn, ổn định đầu ra nông sản, tránh tình trạng được mùa mất giá. 

Bí thư Tỉnh ủy khuyến khích thành lập các trung tâm - câu lạc bộ theo hình thức trực tiếp và trực tuyến để giúp nông dân cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm hữu ích, học tập mô hình sản xuất của nước ngoài...

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương, mặc dù thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động trong công tác quản lý điều hành nên nhìn chung sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt được những kết quả khả quan.

Theo đó, diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt khoảng 6.413,2 ha (tăng 43,4 ha so với cùng kỳ) với các loại cây trồng có giá trị như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh. Diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị khoảng 407,2 ha với các loại cây trồng chủ yếu như: Rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh…

Ngô Huyền