Dù đã được các tuyên truyền viên Bảo hiểm y tế (BHYT) vận động nhưng gia đình chị Lan (Sơn Động, Bắc Giang) vẫn nhất định không tham gia BHYT. Chỉ đến khi chồng bị tai nạn chấn thương sọ não, chị mới thấy tiếc nuối.

Tiếc nuối vì không tham gia BHYT

Chăm chồng ở viện mà lòng chị Lan như lửa đốt, ngoài bệnh tình của chồng, chị Lan còn bận tâm cả với số tiền hơn chục triệu đồng phải thanh toán do không có BHYT. Gương mặt thất thần, chị buồn rầu: “Kinh tế khó khăn nên tôi đã từ chối đóng BHYT cho cả 5 người trong gia đình với mong muốn tiết kiệm được một khoản chi phí. Ai ngờ, nhân tính không bằng trời tính”.

{keywords}

Nhiều người tiếc nuối vì không tham gia BHYT

Với suy nghĩ còn “sức dài, vai rộng” nên chị Mai (Thái Thụy, Thái Bình) chưa tham gia BHYT. Đùng một cái, chị bị viêm ruột thừa cấp phải nhập viện phẫu thuật. Do không có BHYT nên chị phải chi trả toàn bộ tiền thuốc men, khám chữa bệnh trong một tuần nằm viện. Xót của, chị Mai chia sẻ trong tiếc nuối: “Chẳng bao giờ tôi nghĩ mình sẽ bị ốm huống hồ là phải vào viện điều trị. Chỉ vì chủ quan mà tôi vừa mất tiền,vừa hao tâm tốn sức lại bị chồng mắng vì tiếc rẻ không tham gia BHYT. Đúng là sức khỏe, chẳng thể nói trước được. Ra viện, tôi sẽ lập tức đóng BHYT cho cả gia đình”.

Chị Lan và chị Mai chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp thờ ơ với BHYT để rồi phải “ngậm đắng” khi chẳng may ốm đau, rủi ro tai nạn. Nhiều thống kê cho thấy, có 101 lý do khiến nhiều người, đặc biệt là người dân ở các tỉnh miền núi, người dân ở đồng bằng có hoàn cảnh khó khăn nói “không” với BHYT. Đó có thể là do quá nghèo, tiền ăn còn không đủ lấy đâu tiền chăm lo cho sức khỏe; đôi khi lại là mong muốn để dành tiền cho việc khác hoặc chỉ tham gia BHYT cho người già, người ốm yếu hay đi viện. Cá biệt có người tham gia BHYT được một thời gian song do thẻ chưa có dịp phát huy tác dụng nên đã ngừng đóng BHYT vì cảm thấy phí tiền…

Việc chưa thấm nhuần tính ưu việt và lợi ích thiết thực của BHYT cũng là căn nguyên khiến tình trạng này ngày một gia tăng. Chỉ đến khi bản thân, người thân trong gia đình hoặc làng xóm bị bệnh nặng phải mất tiền triệu khi đi viện nhiều người mới thấy tiếc.

Không chủ quan với rủi ro, bệnh tật

Bất hạnh, rủi ro khi làm việc, tham gia giao thông là điều khó có thể đoán định, lường trước. Bởi vậy, việc tự ý thức chăm lo cho bản thân là điều rất cần thiết và tham gia BHYT chính là cách để mỗi người tự bảo vệ, “bảo hiểm” cho sức khỏe của chính mình, của gia đình, cộng đồng và xã hội.

Có thể với những hộ gia đình nghèo, đông nhân khẩu, việc bỏ một lúc 2-3 triệu tiền đóng BHYT là một khoản lớn hay việc chưa có cơ hội sử dụng chiếc thẻ BHYT sẽ làm nhiều người sốt ruột nhưng nó sẽ phát huy công năng tuyệt vời khi chẳng may bị đau ốm, tai nạn. Lúc đó, mọi người sẽ thấy an tâm, vững lòng vì đã có BHYT đồng chi trả và không phải lo chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền chữa bệnh.

{keywords}

Tham gia BHYT là cách để bảo vệ chính mình

Trường hợp của anh Nam (Ninh Giang, Hải Dương) là một ví dụ. Nhờ đóng BHYT kịp thời mà anh đã tiết kiệm được cả trăm triệu đồng. Nửa năm trước anh được chuẩn đoán bị ung thư gan đã di căn, anh phải chuyển từ Hải Dương lên viện K ở Hà Nội để hóa trị. Anh cho biết: “Tôi rất hoang mang và suy sụp tinh thần khi biết mắc bệnh ung thư. Hai vợ chồng làm công nhân, con thì nhỏ nên tôi không muốn mình đẩy gia đình vào tình cảnh kiệt quệ. May mà có thẻ BHYT nên số tiền gia đình phải bỏ ra cho tôi nằm viện không quá lớn, nếu không chắc tôi cũng sẽ từ chối điều trị”.

Việc chủ động tham gia BHYT để phòng lúc ốm đau, bệnh tật cũng là cách để mỗi người chia sẻ rủi ro, thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái” với những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trong cộng đồng vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thúy Ngà