Trước khi cưới 2 tháng chồng chị Lê Thị Thương (Hà Nội) - hỏi vay 50 triệu cho bố mẹ chồng làm giấy tờ nhà đất. Cưới xong chị Thương nhắc chồng về khoản tiền vay đó, lúc ấy chồng bảo bố mẹ hiện không có tiền, để từ từ rồi bố mẹ trả.
Cả năm trời vẫn không thấy động tĩnh gì, chị Thương lại bầu bí sắp đến ngày sinh nên mới nhắn zalo xin mẹ chồng cho lấy lại số tiền đã vay để chuẩn bị sinh nở. Ngay tối đó bà gọi hai vợ chồng về nhà nói chuyện. Trước mặt mẹ chồng chị Thương bị chồng mắng nhiếc, cho rằng việc nhắn tin đòi tiền là sỉ nhục mẹ chồng, là lấn lướt qua mặt chồng… và đòi ly hôn.
Chị Thương vừa ấm ức, vừa thấy mình dại. Tuy nhà chị khá giả hơn nhà chồng một chút, nhưng hồi ấy thấy anh vay mà chị không nghĩ rằng nhà chồng nghèo đến nỗi không có nổi tiền làm giấy tờ nhà đất hay sao mà phải vay tiền con dâu chưa cưới? Đã thế từ khi về làm dâu thì hết mẹ chồng, rồi chị chồng, và cả mấy cô, bác họ hàng nhà chồng đã từng vay chị 1-5 triệu đồng, nhưng không trả.
Với mẹ chồng thì Thương cho đó là số tiền nhỏ nên coi như là biếu ông bà, còn mấy người họ hàng tuy Thương đã đòi nhưng họ nói chưa có để trả. Còn 50 triệu đồng chồng nói vay cho gia đình làm thủ tục đất cát trước khi cưới là tiền riêng của Thương, là mồ hôi, nước mắt dành dụm của Thương, giờ cô lại chuẩn bị sinh nở phải nằm một chỗ nên cần có số tiền đó để bổ dưỡng, sắm sửa cho hai mẹ con.
Thương tâm sự với hai cô bạn thân, họ bảo nàng dâu không cho vay tiền thì mang tiếng keo kiệt, nhưng thực sự cho nhà chồng vay tiền là nỗi ám ảnh của nhiều người bởi vay thì dễ, nhưng trả thì "sang mùa quít". Tất nhiên không phải nhà chồng nào cũng thế, nhưng ba đứa chúng em đã không may rơi vào hoàn cảnh này.
Một cô phân tích rằng, người định quịt tiền là chồng Thương, vì có thể anh ta muốn cho bố mẹ tiền nhưng không có nên mới hỏi vay vợ sắp cưới, và có lẽ tính cách trả dần. Nhưng tới giờ anh ta vẫn chưa có nên quịt nợ, hoặc cho rằng tiền của vợ mặc nhiên là của chồng nên không có ý trả.
Cô kia lại bảo, nếu mẹ chồng không biết chồng vay tiền mà Thương lại nhắn tin đòi nợ thì quả là thiếu khôn khéo, tế nhị. Nếu mẹ đẻ của Thương vay tiền qua cô, rồi chồng nhắn tin đòi thẳng mẹ đẻ thì Thương sẽ phản ứng thế nào? Chồng Thương mới là "con nợ", chứ bố mẹ chồng có khi không biết chuyện vay tiền này. Trừ khi lúc vay có hai vợ chồng Thương và bố mẹ chồng, hay có cái giấy xác nhận vay tiền thì Thương mới có quyền đòi nợ ông bà.
Cả hai cô bạn đều cho rằng, 50 triệu với đồng lương công nhân là số tiền không nhỏ. Chồng Thương không phải cưới vợ rồi thì tiền nợ riêng thành tiền chung được. Nếu là người có tự trọng thì cần trả sớm. Còn giờ tiền cầm rồi, cưới xong rồi mà đòi ly hôn vì 50 triệu thì phải xem lại tình cảm của người chồng. Đồng tiền đã xin là xin, còn vay là phải trả, không lèm nhèm được.
Thực tế có nhiều nhà chồng vay nợ nàng dâu, nhiều gia đình còn tính toán cưới con dâu về để thu của hồi môn, tiền cưới đem trả nợ riêng của nhà chồng. Thậm chí nhiều mẹ chồng còn thu sạch tiền lương của nàng dâu, khiến con dâu sinh nở lâm vào tình trạng thiếu thốn đủ bề, rồi nảy sinh mâu thuẫn khiến đôi vợ chồng trẻ mất đi hạnh phúc.
Hai cô bạn mách kế để làm rõ ràng số tiền vay đó như sau:
1. Nói đó là tiền vay của bố mẹ đẻ, do lúc chồng vay cứ tưởng là nói với bố mẹ chồng rồi nên không nhắc lại. Nay bố mẹ đẻ có việc cần nên chồng bảo mẹ chồng cho xin lại tiền để trả cho bố mẹ vợ.
2. Nếu chỉ vì 50 triệu đồng không trả nổi mà đòi ly hôn, và bạn thì muốn nhà chồng trả tiền thì không nên tiếc người chồng đã nghèo còn sĩ, còn phách lối, và càng sống lâu với người như thế sẽ rất khổ.
3. Nếu phải ly hôn, thì phần ghi lý do ly hôn cần viết rõ là "cho chồng vay tiền giờ không muốn trả", và họ trả tiền rồi hãy ký đơn ly hôn. Cũng cần ghi âm cuộc gọi xác nhận là chồng/nhà chồng đã nợ tiền, hoặc nhờ các chuyên gia tư vấn pháp lý giúp đỡ.
Theo nhà tư vấn tâm lý Tuệ An (Chuyên gia tư vấn Hạnh phúc Gia đình), tin nhắn điện thoại, zalo, facebook hay các mạng xã hội khác chỉ là mẩu tin ngắn gọn, truyền đạt thông tin - nếu người lạm dụng để giao tiếp, đòi nợ - thì nguy cơ hiểu lầm là rất lớn. Tin nhắn khô khan, không thể thay thế cho cảm xúc thật, càng không thể tập trung vào vấn đề cần giải quyết, dẫn tới từ chuyện nhỏ dần dà kéo theo rất nhiều chuyện khác rồi chì chiết, cãi vã… không hồi kết dẫn tới ức chế, căng thẳng, vô tình làm tổn thương nhau trong cuộc sống, công việc… - mà ở chuyện này đã gây hậu quả nghiêm trọng từ những tin nhắn rồi.
Để giảm bớt nặng nề từ việc vay tiền không trả, hãy bình tĩnh thay đổi cách giao tiếp từ tin nhắn chuyển sang gặp gỡ nói chuyện trực tiếp với chồng và mẹ chồng. Từ âm điệu giọng nói, đôi mắt, cử chỉ, hành động... giữa mẹ chồng nàng dâu, vợ với chồng... thì mọi chuyện sẽ hòa khí, tốt đẹp hơn rất. Chuyện đòi nợ vì thế có thể rẽ sang hướng tích cực hơn.
Về tình cảm, nếu chỉ vì 50 triệu đồng mà chồng đòi ly hôn thì cần đánh giá lại xem tình cảm vợ chồng có vượt lên được ngoài 50 triệu đồng đó không - nhất là tình cảm mà chồng dành cho vợ! Ở đây quan trọng nhất là người chồng có thương bạn không, có hiểu, thông cảm và chăm lo cho vợ khi bầu bí không? Và với người như thế thì bạn có thấy xứng đáng để gắn bó cả đời hay không. Về pháp lý, việc cho mượn tiền có gì chứng minh không? Khi đòi tiền chồng và mẹ chồng trả lời thế nào? Có xác nhận không? Ý họ muốn thế nào...? Những điều đó sẽ làm cơ sở cho việc bạn có đòi được khoản tiền riêng đó hay không? Nhưng bạn hãy nghĩ, nếu quyết tâm đòi tiền thì xác định sẽ có mâu thuẫn cao với chồng và gia đình chồng, và có thể dẫn đến chuyện ly hôn thực sự. Vì vậy khuyên bạn cần cân nhắc cho kỹ. Tất cả là do bạn suy xét và quyết định. Luật sư Ngô Đình Hoàng (TP Hồ Chí Minh) |
Cách trị chồng của con dâu khiến mẹ chồng phục lăn
Chồng say nằm li bì trên giường, Hường gọi xe đến chở thẳng về nhà chồng kèm tin nhắn đanh thép: “Mẹ ra mà nhận con quý hóa nát rượu của mình đi”.
Theo Gia đình & Xã hội