Thân gửi báo VietNamNet

Thân gửi 2 tác giả của 2 bài viết, 'Trai Việt chỉ được mỗi ưu điểm là... biết nói tiếng Việt' và 'Ham lấy chồng Tây chỉ vì "chuyện ấy"?',

Mình vẫn còn trẻ, vẫn là sinh viên đại học và vẫn chưa lấy vợ. Những dòng dưới đây hai chị tác giả trên vì vậy có lẽ sẽ không để vào mắt lắm, nhưng dù sao cũng nên có một người nào đó lên tiếng hộ cho đàn ông Việt Nam.

{keywords}
Ảnh minh họa

Ngạn ngữ tiếng Anh có câu "Agree to disagree" (có nghĩa là đồng ý để không đồng ý) thường dùng trong những dịp tranh luận mà các bên tham gia vẫn muốn giữ vững lập trường mà không phải lên tiếng bác bỏ hay nhục mạ đối phương, ý muốn nói tuy tôi thu nhận quan điểm của bạn điều đó không có nghĩa là tôi đồng ý với nó. Giống như vậy, những ý kiến tiêu cực mà các chị kể ra ở đàn ông Việt trên phương diện số đông dù thực ra theo bài viết của hai chị thì những người đàn ông làm thí dụ mà hai chị kể ra chỉ là số ít, tất cả tôi đều thu nhận và thừa nhận rằng thiểu số đó vẫn tồn tại tuy cách hai chị lên án thật ra là vơ đũa cả nắm theo cách nói thông thường. Mình sẽ chỉ tranh luận trên một vài điểm cơ bản.

1. Đàn ông Việt vũ phu hơn đàn ông Ngoại.

Về điểm này mình hoàn toàn không phủ nhận vì như đã nói ở trên, thiểu số này vẫn tồn tại trong cộng đồng người Việt của ta. Mình sẽ không biện hộ cho họ theo khía cạnh văn hóa truyền thống, vì ai mà chả biết người châu Á mình vốn còn mang nặng một vài ảnh hưởng văn hóa rất phong kiến. Thay vào đó mình sẽ nhìn vấn đề một cách nhân văn hơn, tức là đàn ông nói chung theo cộng đồng chứ không phải theo văn hóa quốc gia. 

Trong bất kỳ cộng đồng nào cũng có người tốt và người không tốt, nhưng chỉ vì một vài người không tốt mà qui chụp cái tiêu cực ấy lên đầu tất cả những người khác thì liệu có khôn ngoan không? Để minh chứng cho điểm này, số liệu lấy từ Tổ Chức Chống Bạo Hành Gia Đình Toàn Quốc NCADV (National Coalition Against Domestic Violence) cho thấy cứ mỗi năm trung bình ở Mỹ có khoảng 1.3 triệu người phụ nữ bị bạo hành thể xác, 85% nạn nhân bị bạo hành là nữ và tỉ lệ là cứ mỗi 4 người phụ nữ sẽ có 1 người đã từng bị bạo hành trong gia đình. Đàn ông ở đâu cũng có người tốt và người không tốt, và như thế đàn ông ngoại không hề lý tưởng như 2 chị đã kết luận. Đọc thêm ở phần thứ 2 sẽ rõ.

2. Đàn ông Việt gia trưởng hơn đàn ông Ngoại.

Cái này thì... rất tiếc phải đánh thức hai chị: Đàn ông châu Á nói chung, ít hay nhiều, đều có bản tính này. Cách thể hiện có thể khác nhau, và họ có thể chọn bộc lộ cho chị em phụ nữ hoặc không nhưng không có người đàn ông châu Á nào không gia trưởng theo đúng nghĩa của nó cả; gia trưởng chỉ đơn giản là trưởng của gia mà thôi, và cái đó thì tự nhiên trong văn hóa người phương Đông, không có gì lạ. Đàn ông Hàn Quốc và đàn ông Nhật Bản không hề là ngoại lệ, nếu không nói là so với họ, người Việt mình còn hiền lắm 2 chị ạ. Nếu lấy đàn ông Hàn Quốc ra làm một ví dụ thì chắc hẳn 2 chị sẽ thôi mơ tưởng về thiên đường:

Đàn ông Hàn Quốc thường rất yêu chiều bạn gái hết mực, nhưng điều này khả năng rất cao sẽ biến mất ko tăm tích sau khi lấy nhau.

Bia ôm, karaoke ôm và các thể loại "vui chơi ngoài luồng" là một phần phổ biến trong văn hóa công sở Hàn Quốc, nhất là giữa đàn ông với nhau. Ngay cả những ông chồng không thích vẫn phải tham gia vì nếu không muốn mất việc tốt, họ phải nghe theo sếp và các tiền bối trong công ti.

Đối với đàn ông Hàn Quốc, công việc là ưu tiên hàng đầu. Tất cả những việc còn lại là của phụ nữ. Và tất cả những dịp họp mặt gia đình hay lễ lộc đàn ông không bao giờ vào bếp, và các cô dâu nhất là dâu mới thường phải làm nhiều hơn cô, dì, mẹ chồng.

Đối với người Hàn Quốc, bộ mặt và hình ảnh bên ngoài là tối quan trọng. Sẽ không bao giờ có chuyện người chồng nhận sai trước trong các cuộc cãi vã và nếu người phụ nữ vùng vằng bỏ đi thì cũng đừng hi vọng ông chồng sẽ chạy đi tìm. Nếu cô dâu lấy phải ông chồng lớn tuổi hoặc tuýp đàn ông "hóa thạch thập niên 60" thì khả năng bị bạo hành là không tránh khỏi.

Tất cả những điều nêu trên đều là thật và lấy từ kinh nghiệm của rất nhiều người làm dâu xứ Hàn, hoặc trực tiếp là người Hàn Quốc, nếu không tin hai chị có thể nghiên cứu thêm qua mạng. Riêng mình bạn bè là người Hàn khá nhiều nên mình không hề bị ảo tưởng qua phim Hàn Quốc dù mình vẫn rất thích chúng.

3. Đàn ông Việt không chiều vợ bằng chồng Ngoại.

Xin hỏi hai chị đã bao giờ nghe câu "ăn cơm tàu, ở nhà tây, lấy vợ Nhật" chưa ạ? Đúng là câu nói này vẫn còn chút phiến diện vì dù sao nó cũng là dựa theo những định kiến có sẵn từ trước. Thế nhưng mà hai chị nên đi hỏi thử những gia đình Nhật Bản, cả hiện đại lẫn truyền thống đúng nghĩa, vì thật sự em chỉ nghe và thấy "Chồng bảo vợ vâng" chứ chưa bao giờ một lần thấy "Vợ bảo chồng vâng" ở những gia đình người Nhật 100% mà em được may mắn quen biết thông qua đồng nghiệp của bố cũng như bạn bè của em bên Hoa Kỳ. 

Nói vui vui một chút, trong cả văn hóa Hàn Quốc và Nhật Bản, nếu hai chị đã được biết qua, "kính ngữ" là điều bắt buộc vì cả 2 xã hội đều đặt nặng thứ tự trên dưới hơn Việt Nam mình rất nhiều. Mình không nghĩ hai chị (nếu đã có chồng) phải gọi chồng mình chủ yếu bằng họ và phải thêm danh xưng là Ông ở trước phải không?

Một trong những vấn đề mà các cặp Việt-Tây đều gặp, bất kể là nam-nữ hay ngược lại, đều gặp phải rào cản văn hóa. Nhưng đa số (không phải toàn bộ) các đại biểu vợ/bạn gái Việt- chồng/bạn trai Tây, mỗi khi người đàn ông gặp phải chướng ngại này đều chọn cách lảng tránh hơn là tìm cách giải quyết hay chịu khó nhẫn nhịn để làm quen, nhất là khi chướng ngại văn hóa lớn nhất nằm ở gia đình của người phụ nữ (cha, mẹ, anh chị em, họ hàng, vâng vâng)

 Một điều cơ bản như vậy mà họ còn không làm được, xem họ là lý tưởng chiều vợ có hơi quá chăng? Huống chi khi nghĩ đến lấy chồng thì điều đầu tiên hai chị nghĩ đến là chồng mình không chiều chuộng, chăm sóc mình đc như chồng Tây thì liệu hai chị có sẵn sàng đối mặt với chồng Tây tiền bạc sòng phẳng và văn hóa lạnh lùng mạnh ai nấy sống nơi xứ người? Cái gì cũng có cái giá của nó. :)

Kết luận bài này, em xin nêu ra một quan điểm mà em nêu hơi ít trong bài viết: Đàn ông ở đâu thì cũng là đàn ông; họ là đàn ông trước nhất, trước khi họ là đàn ông Nhật, Hàn, Mỹ, Pháp, Ý, Anh Quốc, Việt Nam, vâng vâng... Điểm khác nhau ở họ ngoài cá tính ra còn có văn hóa nhưng tại sao phụ nữ nước họ vẫn đa số chọn lấy người của mình? Đó không phải chỉ là do vấn đề tiện lợi thoải mái, mà còn là ở mỗi nền văn hóa, mỗi dân tộc đều có những cái đẹp cái hay riêng mà nhiều khi ở cương vị người ngoại quốc không thể thấy được.

 Điểm quan trọng thứ hai là ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu, những cách suy nghĩ phiến diện và một chiều như của 2 chị là một trong những nguyên nhân khiến người Việt Nam mình luôn bị các nước trong khu vực xem nhẹ, chứ chưa dám nói nặng hơn là coi thường. Nếu ngay cả người mình mà còn không xem trọng, thì ai xem trọng mình đây?

 Đàn ông Việt trên thế giới cũng không phải là thua kém bạn bè năm châu, và khá nhiều người được xem trọng vì bản tính thoải mái, hòa đồng và khi nói về vấn đề hôn nhân thì lại càng được tiếng thơm vì rất biết lo cho vợ con, cho gia đình, không thua kém ai cả. Mình không hẳn là lên án hay bài bác chủ yếu nhưng nếu hai chị đọc mà thấy vậy thì cũng đáng để nhìn lại đúng không? Hai chị nên suy nghĩ lại về bài viết của mình.

Bạn đọc Phở Bò