Ông theo dõi và nhìn nhận thế nào về các cuộc biểu tình bạo lực chống Mỹ thời gian qua?

GS Steven Ekovich: Việc bùng phát những cuộc biểu tình chống Mỹ vì lí do bộ phim này phỉ báng đạo Hồi, theo nhìn nhận của tôi, giống như phản ứng tự động của một "cơ chế". Ý tôi là trong một vài nước Ả rập, luôn có các phong trào cực đoan và các phong trào này chỉ chờ có một cái cớ để nổi lên.

Về mặt cảm tính, đúng là luôn tồn tại một sự thù ghét nước Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung và sự thù ghét này đôi khi có thể  đoàn kết các lực lượng này thành một mặt trận chống đối. Nhưng động cơ sâu xa hơn mà tôi nhận thấy, đó là các cuộc biểu tình này chủ yếu nhằm mục đích gây bất ổn nội bộ tại các quốc gia, từ Lybia cho tới Ai Cập hay Tunisia.

Cuộc tấn công vào các nhà ngoại giao Mỹ ở Libya, như chúng ta đều thấy, là một cuộc tấn công có sự chuẩn bị và tổ chức chứ không phải là cơn nóng giận bộc phát của các tín đồ Hồi giáo.

Làn sóng biểu tình chống Mỹ lan rộng.

Điều đó giải thích tại sao một bộ phim ngắn của những người nghiệp dư, không dính dáng gì đến chính phủ Mỹ, và cũng không phải mới xuất hiện, lại đột nhiên có thể gây nên những cuộc biểu tình bạo lực. Các lực lượng cực đoan ở một vài nước Ả rập cần sự mất ổn định để làm lung lay quyền lực của các chính phủ mới thành  lập.

Tôi muốn phân biệt rõ là có các tình huống khác nhau ở các nước Ả rập cụ thể, không thể gộp chung là thế giới Ả rập bởi thế giới Ả rập rất khác biệt và đa dạng. Tuy nhiên, khả năng họ có thể gây bất ổn trên diện rộng ở các nước này rồi chiếm lấy quyền lực là rất nhỏ.

Việc các phong trào này lan rộng sang châu Á, thậm chí còn xuất hiện cả ở các nước châu Âu như Pháp có phải là một mối liên hệ đáng lo ngại?

- Tôi chưa nhìn thấy sự nguy hiểm lớn nào từ những gì đang diễn ra ở châu Á hay Pháp. Ở các quốc gia này cũng có những nhóm nhỏ Hồi giáo cực đoan nhưng điều khác biệt là chính quyền ở các nước này rất cứng rắn với những chống đối bạo lực. Với nước Pháp chẳng hạn, việc 200 người biểu tình tụ tập phản đối trước sứ quán Mỹ ở Paris tuần trước là một hành động khiến chính phủ mới của ông Hollande mất điểm và họ lập tức đưa ra thông điệp rằng các cuộc biểu tình tương tự sẽ không được phép diễn ra.

Steven Ekovich, từng là phi công Mỹ tham chiến ở Việt Nam, hiện là Giáo sư Khoa học chính trị, giảng dạy tại trường Đại học Mỹ ở Paris (America University of Paris). Ông Ekovich là một chuyên gia về Ả rập, chính trị Mỹ và là nhà bình luận quen thuộc trên truyền thông tại Pháp. Ông là tác giả nhiều cuốn sách và bài báo như "Qui est John Kerry?" (John Kerry là ai?), "Pakistan của Barack Obama", "Quyền lực Hoa Kỳ: suy tàn hay điều chỉnh?", "Mùa xuân Ả rập, Tunisia và Mỹ"...

Các cuộc biểu tình này diễn ra bạo lực ở các nước Ả rập gần 2 năm sau sự khởi đầu của Mùa xuân Ả rập. Liệu đó có phải là một dấu hiệu thất bại trong việc gây dựng các nền dân chủ ở các nước Ả rập?

- Rất khó nói đó là thất bại khi mà các quốc gia đó còn chưa hình thành được một nền dân chủ thực sự theo cách thức mà họ được chờ đợi sẽ làm được sau các cuộc cách mạng Mùa xuân. Tháng 10 năm ngoái, khi tôi có mặt ở Tunisia để theo dõi cuộc bầu cử đầu tiên sau chính biến, bầu không khí rất tích cực. Vài tuần trước tôi cũng tổ chức một cuộc hội thảo ở Tunis và những gì ghi nhận là Ennahda đang đi đúng hướng. Việc Ennahda hay chính phủ của Tổng thống Morsi ở Ai Cập không phản ứng quá mạnh với các cuộc biểu tình bạo lực thời gian qua có thể là vì họ thận trọng để tránh đi quá xa vào các bẫy bất ổn. Thực tế thì rất nhiều đồng minh Hồi giáo của Ennahda là người đứng sau các làn sóng bạo lực này.

Những người giấu mặt này là ai? Những người Salafist hay Djihad?

- Cả hai. Đôi khi họ trộn lẫn vào nhau trong các đảng Hồi giáo ôn hòa và có xu hướng tiến đến quyền lực một cách dân chủ, như ở Thổ Nhĩ Kỳ, hay phần nào là Tunisa. Nhưng rất nhiều trường hợp họ tự phân biệt lẫn nhau rất rõ, và đó là thời điểm nảy sinh các tư tưởng cực đoan.

Như ông phân tích thì các vụ biểu tình bạo lực chống Mỹ có động cơ sâu xa là gây bất ổn ở các quốc gia hồi giáo, nhưng liệu làn sóng chống đối này sẽ tác động thế nào đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra?

- Rất khó nói. Chúng ta đang trong một tình huống rất nhạy cảm. Về mặt nào đó thì việc chống Mỹ này ít nhiều có tác động tiêu cực đến ông Barack Obama nhưng người Mỹ lại thường không thích một ứng cử viên Tổng thống nào đó làm rối chính sách đối ngoại quốc gia. Chính vì thế, ông Mitt Romney sẽ phải rất cẩn trọng trong việc phê phán đối thủ, nhất là khi ông được cho là kém kinh nghiệm về chính sách đối ngoại hơn ông Obama.

Xin cảm ơn ông!

Bùi Nguyễn (từ Paris, Pháp)