- Tham nhũng đất đai được xếp hạng "đầu bảng" với hàng năm có trên 10 vạn vụ việc tranh chấp, phản ánh, tố cáo các sai phạm liên quan, chiếm 70-80% tổng số các vụ khiếu kiện, tố cáo, tranh chấp ở Việt Nam.   
>> Nhận dạng tham nhũng trong quản lý đất

Con số thống kê trên được Thanh tra Chính phủ đưa ra tại Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 8 với các nhà tài trợ quốc tế ngày 25/11 tại Hà Nội. Đất đai đã trở thành lĩnh vực nóng bỏng khi trong một thập niên qua diễn ra sự chuyển đổi đất mạnh mẽ do cải cách kinh tế và xã hội.

Đã có 9 triệu ha đất nông nghiệp được chuyển sang mục đích dân cư, xây dựng các khu thương mại phi nông nghiệp, công cộng… Khoảng 5,4 triệu ha đất bỏ hoang được chuyển đổi sang các mục đích sử dụng khác. Quá trình chuyển đổi đất đã diễn ra đầy thách thức khiến các chuyên gia nhận định tham nhũng trong quản lý đất đai là một “vấn đề lớn”.

Thao túng quy hoạch

Cán bộ làm quản lý đất đai thường có nhà cửa khang trang, mức sống cao hơn các cán bộ ở khu vực quản lý khác - chuyên gia kỳ cựu về đất đai, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên – Môi trường Đặng Hùng Võ nêu. Ông cùng nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), Đại sứ quán Thụy Điển, Đan Mạch đã xác định trong một nghiên cứu độc lập những rủi ro trong quy trình cấp sổ đỏ và thu hồi, giao/cấp đất.      

Nghiên cứu cho thấy việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đồ án quy hoạch đô thị có xu hướng được xây dựng, điều chỉnh và phê duyệt dựa trên kế hoạch thương mại của chủ đầu tư.   

Ảnh: XL

Điều này tạo ra động cơ cho một dạng tham nhũng, trong đó chủ đầu  tư chia cho các cán bộ nhà nước một phần đặc lợi/lợi nhuận có được do giá trị đất gia tăng thông qua chuyển đổi mục đích sử dụng. Các đầu nậu kết hợp với một số nhà quản lý thực hiện thao túng quy hoạch, cố tình trì hoãn việc công khai quy hoạch để gom mua đất của dân ở những khu vực trong tương lai là mặt đường.

Về vụ Công ty Securency 

Bên lề Đối thoại, Đại sứ Thụy Sỹ  Jean-Hubert Lebet cho biết Việt Nam đã đề nghị Thụy Sỹ hỗ trợ thông tin liên quan đến vụ Công ty Securency đưa hối lộ trong hợp đồng cung cấp chất nền in tiền polyme của Việt Nam. Cơ quan tư pháp nước này sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của Việt Nam để làm rõ những thông tin được cho liên quan đến một số cá nhân ở Việt Nam.

Tiếp cận thông tin về quy hoạch sử dụng đất, các dự án đất cũng là điều bị "kêu trời" là khó khăn và không công bằng. Trong khi người dân yếu thế hơn thì sự khó khăn làm gia tăng các khoản chi phí phi pháp của chủ đầu tư cho các quan chức chịu trách nhiệm quy hoạch sử dụng đất/đô thị để đổi lấy đặc quyền thông tin.

Một yếu tố rủi ro, đó là thiếu tính độc lập trong việc xác định giá giao/cho thuê đất. Kết quả là chủ đầu tư hứa hẹn sẽ bán đất, nhà ở hoặc văn phòng với giá ưu đãi cho quan chức nhà nước khi hoàn thành dự án. Yếu tố này cũng làm tăng nguy cơ phê duyệt việc giao/cho thuê đất để đổi lấy "chi phí ngoại giao"...

Tỷ lệ cảm nhận có tham nhũng trong cấp sổ đỏ là cao nhất, hơn đáng kể so với nạn tham nhũng trong ngành y tế tuyến tỉnh, giáo dục tiểu học, trung học, đại học và dạy nghề. Cho đến năm 2008, các cơ quan chức năng đã cấp 10,53 triệu sổ đỏ cho tổng diện tích 413.060 ha trên phạm vi toàn quốc, chiếm 79,9% tổng số diện tích cần sổ đỏ. Đến tháng 10 năm nay, hầu hết các tỉnh đã cấp sổ đỏ từ 70% trở lên cho tổng số diện tích yêu cầu sổ đỏ.
Đại sứ Thụy Điển Staffan Herstrom đánh giá quá trình đăng ký quyền sử dụng đất "quá rườm rà, quá quan liêu và chỉ 1% người khiếu nại hài lòng. Điều này đã tạo môi trường cho tham nhũng phát triển. Nó phá hủy danh dự của công chức và làm giảm niềm tin của người dân".
Thanh tra Chính phủ cũng nhận định sai phạm trong cấp sổ đỏ là một dạng sơ hở về cơ chế, chính sách.
Một nghiên cứu mới ở 3 tỉnh Hà Nội, Vĩnh Phúc, TP HCM cho thấy chỉ một việc nhỏ, đơn giản như đến phường làm hồ sơ, có người dân phải mất 20 lần, thời gian hồ sơ bị câu lưu ở phường có thể lên đến 2.920 ngày. Và để thuận lợi, nhanh chóng, người dân khi tiếp xúc và làm việc với cán bộ thường phải chi những khoản "chi phí không chính thức". 
Giảm độc quyền 
Giám đốc Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) Ayumi Konishi cho hay tại Việt Nam, ADB đã tài trợ nhiều cho các dự án hạ tầng song khi triển khai luôn bị chậm tiến độ vì việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ảnh: XL

Ông băn khoăn về cơ chế đền bù giải tỏa khi luật quy định 2 phương thức là thương lượng và chính quyền cưỡng chế. Nhưng các khảo sát cho thấy chủ yếu thực hiện biện pháp cưỡng chế mà 80% khiếu nại liên quan đất đai thuộc dạng này. 

Việc “giao dịch nội gián” được cho là rõ ràng và có dòng tiền đổ vào những người có đặc quyền. ADB kiến nghị tăng cường giám sát cộng đồng trong lĩnh vực đất đai. Việc giám sát đưa vào luật phải thực hiện trên thực tế, cần có hành động cụ thể để người dân được hưởng lợi từ phát triển. 
Nhận định tham nhũng trong quản lý đất đai "mạnh mẽ" hơn các lĩnh vực khác, Đại sứ Đan Mạch John Nielsen cho rằng cần tăng cường tính minh bạch, tránh tình trạng thông tin bị nắm giữ bởi một nhóm người có đặc quyền, phải cải thiện việc công bố quy hoạch đất để tránh vụ lợi, đặc biệt các địa phương cần công khai thông tin về quy hoạch. 
Xếp tham nhũng trong lĩnh vực đất đai vào hạng "đầu bảng", TS Đặng Hùng Võ kiến nghị để "chống", cần giảm độc quyền của hệ thống hành chính, tách những phần nhất định thành các kênh độc lập để đưa ra quyết định cuối cùng về đất đai. Cần có hệ thống định giá đất độc lập cho cơ quan hành chính và cơ quan hành chính không phải đơn vị quyết định về giá đất. 
Một trong những kiến nghị của ông Võ được Giám đốc WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa chia sẻ, đó là tăng cường sự giám sát của cộng đồng, dân cư, vai trò của các tổ chức xã hội dân sự.
Nhóm WB, Đại sứ quán Đan Mạch, Thụy Điển cho rằng việc các cán bộ nắm giữ các vị trí quan trọng như cán bộ trong hội đồng bồi thường có quá nhiều quyền tự do quyết định, tăng cường trách nhiệm giải trình của các cán bộ này là một thử thách. Do đó, có thể sử dụng nhiều công cụ như thanh tra tài chính, kiểm toán độc lập đối với cán bộ trắc địa...


Xử lý tham nhũng có biểu hiện không nghiêm minh

Đó là ý kiến của ông Đình Quyền, ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội tại Đối thoại. Ông Quyền dẫn lại những nhận định trong báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ do Ủy ban Tư pháp thực hiện mới đây, cho hay có những áp lực không đúng như căn cứ thân nhất tốt để cho hưởng án treo, hay đình chỉ điều tra để xử lý nội bộ.

Chia sẻ những nỗ lực cố gắng của Chính phủ, nhưng dù đã đầu tư nhiều cho bộ máy, thể chế, con người, nỗ lực đẩy lùi tham nhũng vẫn không được như nhân dân mong đợi, thậm chí tham nhũng ngày càng trở nên nghiêm trọng.

“Chúng tôi khẳng định qua hoạt động giám sát cho thấy tham nhũng ở Việt Nam vẫn nghiêm trọng, phức tạp, ngày càng tinh vi. Chúng tôi đưa ra những tiêu chí để khẳng định đó là số lượng tài sản, đất đai, tiền của của Nhà nước bị thất thoát …”, ông Quyền nói.

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền tham nhũng nói chung ở Việt Nam “có dấu hiệu không chỉ diễn ra trong phạm vi quốc gia mà có cả liên kết với một số hành vi vi phạm của bên ngoài”.


  • Xuân Linh