- Phát biểu trong phiên thảo luận truyền hình trực tiếp sáng nay (26/3) về kinh tế - xã hội, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói "Chống tham nhũng phải như quét cầu thang, quét từ trên quét xuống chứ không phải quét từ dưới quét lên. Có những cách xử lý một số vụ việc vừa rồi dân không hài lòng. Nói là sai phạm ở trên chưa đến mức phải xử lý, nhưng chẳng lẽ  sai phạm ở dưới lại đến mức phải xử lý hay sao?".

Nhiều ĐBQH đã chia sẻ băn khoăn về tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi, và phân tích những nguy cơ của tham nhũng như buông lỏng quản lý ở DNNN, hiện tượng lợi dụng chính sách nhà nước...

Làm rõ mục đích đầu tư 3.500 tỷ đồng

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm. Ảnh: Lê Anh Dũng
Chỉ dành một vài câu bày tỏ sự không hài lòng với cách kiểm điểm sai phạm ở Vinashin, hầu như các ĐBQH đều tập trung mổ xẻ quanh số tiền 3.500 tỷ đồng để lại đầu tư cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam.

Tại kỳ họp QH cuối năm 2010, số tiền 3.500 tỷ đồng đầu tư cho Petro Vietnam đã được Quốc hội thông qua tại nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011. Theo kết quả phiếu xin ý kiến khi đó, có tới trên 50% ý kiến các ĐBQH (200/398 phiếu) không đồng ý.
Lý do đầu tư là vì nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực dầu khí còn lớn, nhiều dự án, công trình đang trong quá trình triển khai thực hiện, nếu không tiếp tục đầu tư trở lại, ngành dầu khí sẽ gặp khó khăn và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Tuy nhiên, phát biểu sáng nay, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hộị Nguyễn Văn Tiên cho hay, dân chưa hài lòng khi so sánh thu nhập của ngành dầu khi với các ngành nghề kháć. Trong khi tết vừa qua, nhà nước hỗ trợ các gia đình liệt sĩ 300 - 350 nghìn đồng, nhưng nhân viên ngành dầu khí nhận tiền thưởng lên tới 50 - 60 triệu đồng dù lương tháng 10 - 15 triệu.

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) nói, đây là tiền thuế của dân, nên nhà nước phải làm rõ ai duyệt danh mục đầu tư và ai giám sát. Hiện, dầu khí cũng đang đầu tư dàn trải, trong đó́ có những danh mục bất động sản số một VN. Trọng trách được giao là thăm dò khai thác dầu khí, đầu tư thăm dò ở vùng  nước sâu xa bờ nhưng kết quả ra sao, nên đánh gia. Tránh tình trạng nhà nước chi tiền để tăng năng lực nhưng vẫn phải kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Loan đề nghị phải xem xét kỹ các khoản tiền đầu tư cũng như tiền lãi để lại cho tập đoàn dầu khí, đánh giá các hạng mục đầu tư và có cơ chế tài chính rõ ràng. Người dân muốn được công khai lợi nhuận nộp về cho nhà nước vì không nhà đầu tư nào bỏ tiền ra mà không thu về một đồng lời nào.

ĐB Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) cho rằng trong bối cảnh lạm phát, cắt giảm đầu tư công, hạn chế đầu tư dàn trải như hiện nay, phải cân nhắc kỹ lưỡng việc đầu tư trở lại cho dầu khí để đảm bảo công bằng. Nhất là trong bối cảnh thiếu cơ chế nhà nước chưa quản lý được nguồn vốn  và chưa đánh giá được hiệu quả đầu tư cũng như chưa kiểm tra, giám sát tốt.

Ông Ba đề xuất, đề xuất, điều hành vốn nhà nước TĐ, TCT phải theo cơ chế thị trường chứ không theo mệnh lệnh hành chính, quan liêu. Một mặt vì mục tiêu chính trị nhưng kinh doanh là để thu lời và phải bảo đảm công bằng cho mọi thành phần kinh tế.

Theo ĐB Lê Thị Yến, việc phân bổ tiền nong như thế này vẫn phụ thuộc theo ý muốn chủ quan của nhà nước mà không theo quy trình như với các dự án đầu tư khác.

Không nên điều hành như đánh trận

Góp ý cho giải pháp điều hành, ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng, các nhà quản lý không nên quá tả hay quá hữu, rút kinh nghiệm năm 2008, vì chống lạm phát quyết liệt mà dẫn tới suy giảm kinh tế.

"Cũng thời gian này, bằng giờ năm ngoái chúng ta đi các tỉnh hô hào đầu tư thật nhanh, thật nhiều, giải ngân nhanh. Bây giờ lại yêu cầu siết lại. Ta nên tránh điều hành kiểu đánh trận trong khi đáng lý́ điều hành nền kinh tế là phải trầm lắng, thận trọng", ông Tiên nói.

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm góp ý, từng giải pháp phải xem xét lại hiệu quả trước mắt và tác động lâu dài. Bởi nếu cắt giảm không đúng, không chuẩn sẽ để lại tác hại lâu dài. Chẳng hạn, phải làm rõ mức độ và liều lượng của ưu tiên tín dụng, bố trí vốn cho DN xuất khẩu.

ĐB Đặng Văn Xướng (Long An). Ảnh: Lê Anh Dũng

ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) khẳng định, dân đã dần làm quen với lộ trình tăng giá xăng, điện của Chính phủ và chia sẻ khó khăn lạm phát. Nhưng, dân muốn công khai, minh bạch chính sách, cụ thể là phải có hình thức nghiêm trị những người trục lợi chính sách.

Sau tết, trước thời điểm tăng giá xăng, nhiều đại lý xăng dầu đã găm hàng thu lời.

"Như vậy, chúng ta vẫn còn để lại nhiều kẽ hở trong thời điểm chuyển giao các chủ trương, chính sách. Do sơ hở, do quản lý không chặt chẽ nên đã để những kẻ đầu cơ dễ dàng trục lợi", ông Xướng nói.


Nhiều ĐB khác kiến nghị Chính phủ có lộ trình cho kinh doanh vàng miếng và ngoại tệ. Vì theo phản ánh của ĐB Hoàng Thương Lượng (Yên Bái), đang xuất hiện phương thức mới về kinh doanh vàng miếng khó kiểm soát.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh
Cuối buổi sáng, hai vị tư lệnh ngành đã lần lượt đứng lên giải trình. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cam kết sẽ có lộ trình kiểm soát kinh doanh vàng, ngoại tệ, dân lo việc siết kinh doanh vàng miếng làm ảnh hưởng lợi ích người dân nhưng Chính phủ cam kết không để xảy ra điều đó.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cũng khẳng định không có chuyện điều hành kinh tế kiểu đánh trận mà luôn nhịp nhàng, linh hoạt.

Chiều nay, QH tiếp tục thảo luận hội trường nội dung trên.

  • Lê Nhung