Giá vàng thế giới ngày 31/8 đã giảm nhẹ. Tính đến lúc chốt phiên giao dịch tại sàn New York, giá vàng đã giảm khoảng 0,6% giá trị, xuống mức 1824,70 USD/ounce, tương đương với mức 45,8 triệu đồng/lượng.

Adam Klopfenstein, chuyên gia tại MF Global, Chicago cho biết: "Các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào các chính sách của FED có thể kích thích nền kinh tế, vì vậy, thay vì mua vàng để làm tài sản trú ẩn an toàn, các nhà đầu tư đang liên tục bán ra".

Giá vàng giảm nhẹ sau khi thị trường chứng khoán Mỹ ngày hôm qua có một phiên tăng điểm, chốt lại một tháng đầy biến động của nền kinh tế Mỹ. Chỉ số công nghệp Dow Jones đã tăng 0,46%. Chỉ số S&P 500 tăng 0,46%. Chỉ số Nasdaq cũng tăng.

Cổ phiếu giảm giá mạnh nhất là của công ty AT&T sau khi Bộ Tư pháp Mỹ quyết định sẽ ngăn việc công ty điện thoại di động này sát nhập với T-Mobile USA.

Một phiên tăng điểm nhẹ vào ngày cuối cùng của tháng 8 đã kết thúc một tháng đầy biến động của nền kinh tế thế giới. Những tin tức ảm đạm của nền kinh tế Mỹ, việc Mỹ bị hạ mức xếp hạng tín dụng, cùng khủng hoảng nợ ở châu Âu đã kéo thị trường chứng khoán rớt thê thảm vào đầu tháng. Các nhà đầu tư lo sợ việc Mỹ rơi vào một cuộc khủng hoảng nữa, trong khi đó giá vàng thế giới đã tăng mạnh lên mức kỷ lục hơn 1900 USD/ounce. Tính đến cuối tháng 8, cho dù vàng đã hạ nhiệt, giá vàng vẫn tăng hơn 12% giá trị so với tháng trước.

Tuy nhiên, sau cuộc họp của cục dự trữ liên bang Mỹ FED, tuyên bố của chủ tịch Bernanke đã củng cố thêm niềm tin cho các nhà đầu tư, giúp thị trường tăng điểm trở lại. Với những nỗ lực hiện tại , cùng với các công cụ kinh thích tài chính khác, thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi

"Nền kinh tế  sẽ phát triển như thế nào phụ thuộc lớn vào khả năng kích thích tiền tệ và tài chính của Mỹ", ông Gonzalo Fernandez, nhà phân tích tại Santander ở Mexico City.

Các nhà kinh tế học thuộc Goldman Sachs thì nhận định rằng FED đã "thân thiện" hơn mức dự kiến, "Một cuộc họp gần gũi hơn những gì chúng ta nghĩ tới", các nhà kinh tế nhận định. Biên bản cuộc họp của FED được công bố vào thứ 3 vừa qua cho thấy cơ quan này sẽ xem xét một loạt các hành động để giúp đỡ nền kinh tế thoát khỏi khó khăn, bao gồm các bước điều chỉnh lãi suất và mức độ thất nghiệp. Hiện, tất cả đều mong chờ cuộc họp tiếp theo của FED vào tháng 9 tới.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, nước này đã tạo ra thêm 70000 việc làm trong tháng 8, thấp hơn mức 117000 vào tháng trước. Tỉ lệ thất nghiệp tháng 8 dự báo vẫn ở mức cao, khoảng 9,1%. Số liệu cụ thể sẽ được đưa ra vào thứ sáu này.

Giá USD trong tháng qua cũng đã tăng thêm 0,2% giá trị. Trong khi đó, giá dầu thô giao tại thị trường Luân Đôn đã tăng 1%, lên mức 114 USD/thùng. Giá dầu thô tăng bởi những số liệu cho thấy kho dự trữ xăng dầu của Mỹ đang suy giảm.

Hiện tại, dù nền kinh tế đang khởi sắc, nhưng vẫn chưa thể bù đắp được những thiệt hại từ việc Mỹ bị hạ mức xếp hạng tín dụng, và  các nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ, cũng như liệu nước Mỹ có rơi vào một cuộc khủng hoảng nữa hay không. "Chúng ta cần nhiều dấu hiệu cụ thể hơn từ FED và nền kinh tế để xác định xem liệu nền kinh tế có thể phục hồi hay không", chuyên gia Michael Cloherty nhận định.

Quốc Dũng (Theo Reuters, Bloomberg)