Liên quan vụ cháy tại bãi giữ xe trong khuôn viên trụ sở Công an huyện Tánh Linh (Bình Thuận) khiến khoảng 200 xe máy là tang vật vi phạm hành chính bị thiêu rụi, xảy ra vào ngày 9/3, nhiều bạn đọc thắc mắc: Chủ các phương tiện này có được bồi thường không và họ cần làm gì để được bồi thường thỏa đáng?
Lý giải vấn đề từ góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật khẳng định: Tại Khoản 5, Điều 125, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bổ sung năm 2020 và Điều 9 Nghị định 115/2013 đã có quy định khá cụ thể về vấn đề này.
Áp dụng theo Điều 10 Nghị định 115/2013, chủ xe có quyền yêu cầu cơ quan quản lý phương tiện bồi thường.
Theo luật sư, người trông giữ để xảy ra vụ cháy, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.
Để được bồi thường trong trường hợp này, chủ xe phải có giấy tờ chứng nhận mình bị xử phạt, bị tạm giữ xe, tình trạng xe... để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại.
“Khi có cơ sở pháp lý nêu trên và căn cứ vào kết quả điều tra nguyên nhân trực tiếp xảy ra vụ cháy, các cơ quan chức năng sẽ giải quyết theo nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”, luật sư Diệp Năng Bình nêu.
Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội) bổ sung thêm: “Khi cơ quan chức năng tạm giữ những xe máy nêu trên, nó được xem như đã có sự chuyển giao trách nhiệm bảo quản từ người chủ sở hữu phương tiện.
Cơ quan ra quyết định tạm giữ xe phải bảo vệ nguyên vẹn, nếu xảy ra sự cố thì phải bồi thường. Trong trường hợp cơ quan ra quyết định tạm giữ thuê đơn vị khác trông coi thì đơn vị thuê vẫn phải có trách nhiệm bồi thường".
Theo luật sư Hoàng Tùng, trong trường hợp các bên không thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại, chủ xe có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Luật sư Hoàng Tùng cho biết thêm, theo Khoản 2, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp cơ quan điều tra kết luận nguyên nhân gây ra cháy là do bất khả kháng thì nơi ra quyết định tạm giữ, tịch thu phương tiện không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Trường hợp nguyên nhân gây cháy không phải bất khả kháng, cơ quan ra quyết định tạm giữ vẫn phải bồi thường cho các chủ phương tiện, sau đó mới khởi kiện cá nhân gây cháy để yêu cầu đền bù thiệt hại. Thậm chí, khi có căn cứ cho thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Về việc định giá xe, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, cơ quan chức năng khó đưa ra định giá đúng, vì trong văn bản tạm giữ phương tiện không ghi rõ xe cũ hay mới, bị hỏng thế nào... Chính vì vậy, để bồi thường mỗi xe là cả vấn đề lớn.
Ngoài ra, nếu bãi giữ xe được mua bảo hiểm thì cơ quan bảo hiểm sẽ đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường cho các chủ sở hữu xe.