Sau sự việc hổ nuôi nhốt cắn đứt 2 cánh tay một người đàn ông trong khu du lịch, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Dương thu hồi giấy phép nuôi hổ với mục đích bảo tồn tại khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh và chuyển giao toàn bộ hổ tại cơ sở này đến trung tâm cứu hộ phù hợp.
Chuồng hổ trong khu du lịch Thanh Cảnh, nơi xảy ra sự việc hổ cắn đứt 2 cánh tay người |
Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh (phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An) được Chi cục kiểm lâm Bình Dương cấp phép thí điểm nuôi hổ vào năm 2007 với mục đích bảo tồn.
Vài năm gần đây, khu du lịch này đóng cửa nhưng vẫn nuôi hổ bên trong, ngày 4/6 một con hổ trong chuồng đã cắn đứt 2 cánh tay người khi đứng cạnh song sắt.
Đáng nói, mặc dù được cấp phép nuôi hổ với mục đích bảo tồn, cấm buôn bán, vận chuyển, nhốt hoặc cho, tặng nhưng cơ sở này đã bán 5 cá thể hổ trái phép, hoạt động nuôi nhốt hổ tại cơ sở này cũng không có giá trị bảo tồn và gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người dân.
Năm 2011, chủ cơ sở là ông Huỳnh Văn Hai bị phạt 36 tháng tù, con trai ông Hai là Huỳnh Tấn Đạt cũng bị phạt 30 tháng tù về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.
Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh không đáp ứng được mục tiêu là bảo tồn khi được cấp phép nuôi nhốt, cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ sở không đảm bảo cho hoạt động nuôi nhốt hổ, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Hiện nay tại cơ sở này còn 5 cá thể hổ đang được nuôi nhốt.
Theo tìm hiểu, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 3 cơ sở được Chi cục kiểm lâm tỉnh Bình Dương cấp phép nuôi hổ. Tuy nhiên, cả 3 cơ sở này đều để xảy ra việc hổ cắn chết người hoặc gây thương tích.
Người đàn ông bị hổ cắn đứt lìa 2 cánh tay trong khu du lịch
Nghe tiếng kêu cứu, các nhân viên khu du lịch chạy đến chuồng hổ kiểm tra thì phát hiện một người đàn ông bị đứt lìa hai tay, mất nhiều máu.
Minh Tâm