Theo nhận thức mới, an ninh quốc gia không nên hiểu theo nghĩa hẹp là bảo vệ Nhà nước trước những cuộc tấn công quân sự qua biên giới lãnh thổ, mà còn phải đối mặt với những thách thức phi truyền thống, như an ninh môi trường, an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh khí hậu, an ninh thị trường, an ninh năng lượng, an ninh tiền tệ, an ninh về sở hữu trí tuệ, an ninh công nghệ, an ninh về giáo dục, an ninh về y tế, an ninh tài nguyên - môi trường…

Việt Nam- 1 trong 5 quốc gia trọng điểm chịu tác động của biến đổi khí hậu

Các thách thức an ninh phi truyền thống đặt ra nhiều khó khăn cho công tác quản trị của tất cả quốc gia. An ninh phi truyền thống tại khu vực Đông Nam Á và Việt Nam có tính chất rất khác so với các khu vực khác trên thế giới, do đây là khu vực có địa chính trị đặc biệt quan trọng, trong đó sự tranh chấp ảnh hưởng giữa các cường quốc là yếu tố chính ảnh hưởng đến toàn khu vực; kết hợp với nội tại khu vực Đông Nam Á là khu vực có nhiều quốc gia đang phát triển, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn định, dễ tác động đến an ninh quốc gia của mỗi nước. 
Tại Việt Nam, tác động rõ nhất là về biến đổi khí hậu, được biểu hiện rõ nhất là số cơn bão mạnh có chiều hướng gia tăng, quỹ đạo của bão dị thường; hạn hán có xu hướng mở rộng, xảy ra nhiều đợt nắng nóng, rét đậm, rét hại kéo dài kỷ lục.

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 quốc gia trọng điểm chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Đa số phần diện tích 40.000 km2 của đồng bằng sông Cửu Long chỉ cao hơn mực nước biển chưa đầy 2m, do đó rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, trong đó có tác động của nước biển dâng. Thêm vào đó, các hoạt động như khai thác quá mức nước ngầm, khai thác cát không bền vững để xây dựng và mở rộng các thành phố trên khắp châu Á, cũng như sự phát triển chóng mặt của các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn đang đe dọa tương lai của vựa lúa phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á này.

“Thật khó tin rằng một vùng đất với  kích thước và dân số tương đương với Hà Lan có thể biến mất vào cuối thế kỷ này,” Giáo sư Matt Kondolf từ Đại học California, Berkeley, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, “nhưng cũng như các đồng bằng sông khác, đồng bằng sông Cửu Long chỉ có thể tồn tại nếu nhận được đủ lượng trầm tích từ thượng nguồn và có dòng chảy đủ để đưa lượng phù sa đó tỏa đi khắp bề mặt đồng bằng, giúp lớp đất mặt được bồi đắp với tốc độ bằng hoặc nhanh hơn mức nước biển dâng trên toàn cầu.”

Ông Marc Goichot, Quản lý Chương trình Nước ngọt của  WWF Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Các nhà khoa học đều nhất trí rằng quy mô và mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa đối với đồng bằng sông Cửu Long đã trở nên hiển nhiên, nhưng việc này có thể được ngăn chặn nếu như có thể đảm bảo trong nước sông vẫn có phù sa”. 

“Các quốc gia phải chọn một con đường phát triển tốt hơn cho sông Mekong và khu vực - một chiến lược dựa trên các chính sách tham vọng nhưng khả thi, thúc đẩy tiếp cận toàn hệ thống trong các ngành năng lượng, xây dựng và nông nghiệp sẽ tăng cường khả năng phục hồi của đồng bằng và mang lại lợi ích cho con người và thiên nhiên phụ thuộc vào nó. Tiếp tục phát triển như hiện tại sẽ gây ra thảm họa cho vùng đồng bằng.” ông Goichot nói thêm.

Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam có thể sẽ nằm dưới mực nước vào cuối thế kỷ này nếu không có các hành động khẩn cấp trên toàn lưu vực sông. Tiếp tục phát triển như cách thức hiện tại có thể khiến 90% diện tích vùng trọng điểm kinh tế nông nghiệp của Việt Nam, nơi sinh sống của hơn 17 triệu người bị nhấn chìm, kèm theo các tác động to lớn ở cấp độ Quốc gia và toàn cầu.

Chỉ khi cả sáu quốc gia trong lưu vực sông Mekong cùng hành động để quản lý nguồn nước và trầm tích tốt hơn, hậu quả tàn khốc này mới có thể tránh được. Đây là bình luận do một nhóm các nhà nghiên cứu liên ngành đưa ra trong một bài báo đăng trên tạp chí khoa học hồi giữa năm ngoái.

Cùng hành động để cân bằng phát triển và quản lý lưu vực sông Mekong

Để tạo điều kiện cho các quốc gia Mekong giải quyết những thách thức mới nổi và cải thiện tình trạng tổng thể của lưu vực, chiến lược Phát triển lưu vực giai đoạn 2021 - 2030, được phê duyệt bởi Hội đồng Bộ trưởng từ các quốc gia Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Chiến lược này tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên: Cải thiện các chức năng sinh thái của sông Mekong vì một môi trường lành mạnh và cộng đồng có năng suất sản xuất cao; cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng nước và tài nguyên liên quan vì phúc lợi của cộng đồng; tăng tính bền vững của các hoạt động phát triển để hướng tới tăng trưởng kinh tế bao trùm; nâng cao khả năng chống chịu trước rủi ro khí hậu và thảm họa; và tăng cường hợp tác cấp khu vực theo quan điểm toàn lưu vực.

Theo TS. An Pich Hatda, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký MRC, “Chiến lược này phù hợp với các ưu tiên và nhu cầu của chính phủ các quốc gia Mekong để đạt được một lưu vực Mekong mạnh hơn và chống chịu tốt hơn thông qua việc chủ động lập quy hoạch và điều phối quản lý, và do đó bảo đảm sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường”.

Chiến lược Phát triển lưu vực mới dựa trên các đánh giá gần đây về những tác động lớn của các hoạt động phát triển và cơ sở hạ tầng về nước và tài nguyên liên quan, gồm cả các đập, vốn đã làm thay đổi chế độ dòng chảy, ảnh hưởng tới vận chuyển phù sa và gia tăng xói lở bờ sông. Những tác động này dẫn tới giảm số lượng cá tự nhiên, làm suy thoái tài sản môi trường và đồng bằng ngập lũ, và giảm lượng phù sa bổ sung của đồng bằng sông Mekong. Biến đổi khí hậu đã khiến các tác động này nghiêm trọng hơn, làm gia tăng tình trạng không chắc chắn và rủi ro, gồm cả hạn hán và lũ lụt thường xuyên.

Chiến lược cũng đưa ra nhiều khuyến nghị mà tất cả các bên liên quan cấp quốc gia và khu vực có thể triển khai để hoàn thành các ưu tiên chiến lược của Chiến lược Phát triển lưu vực, gồm cả thực hiện các sáng kiến và chương trình riêng của mỗi bên.

MRC sẽ đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các ưu tiên chiến lược của CLPTLV thông qua Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có 95 hoạt động và 86 kết quả dự định. Một định hướng chủ chốt mới trong công tác của MRC sẽ là chủ động đánh giá và xác định các phương án trữ nước mới, và các giới hạn mới về dòng chảy và môi trường, đưa ra khuyến nghị về các dự án đầu tư chung toàn lưu vực để mang lại nhiều lợi ích về quản lý lũ lụt, giảm nhẹ hạn hán, tăng cường an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Hải Vân