“Bí thư và Chủ tịch các địa phương phải xuống tận cơ sở để vận động nhân dân và giải quyết kịp thời các vướng mắc”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại cuộc họp tổ chức thực hiện công tác GPMB các dự án đầu tư mở rộng QL1 và QL14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên).

Nhiều khó khăn vướng mắc

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, công tác GPMB cho dự án vẫn còn chậm trễ. Đến nay, chỉ có 3 tỉnh là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đã GPMB được trên 40%, còn lại các địa phương chủ yếu đang kiểm đếm, áp giá, lập phương án tổng thể và chi tiết. Nhiều tỉnh còn chưa phê duyệt phương án GPMB tổng thể để làm thủ tục giao kế hoạch ứng vốn.

{keywords}

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về công tác GPMB QL1 và QL14.

Hiện hầu hết các địa phương không đủ hoặc không bố trí được ngân sách để cân đối vốn xây dựng các khu tái định cư. Và trên thực tế một số địa phương như: Thanh Hóa, Nghệ An, Quãng Ngãi đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn này.

Về việc bố trí vốn và chi phí cho các Hội đồng GPMB, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết, hiện hầu hết các địa phương chưa bố trí được nguồn vốn cho việc xây dựng các khu tái định cư cho dự án, nên công tác xây dựng khu tái định cư chưa sẵn sàng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện công tác GPMB.

Thêm vào đó, việc chậm tạm ứng vốn cho các địa phương dẫn đến thời điểm chi trả cho dân chậm nhiều so với thời điểm áp giá đền bù.

Về việc bố trí nguồn vốn cho việc tái định cư, GPMB, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh cho biết, Thủ tướng đã quyết định ứng trước 5.000 tỷ đồng phục vụ cho việc GPMB... Tuy nhiên, thực tế để tìm nguồn giải quyết cho các địa phương ứng trước 5.000 tỷ đồng là cả một câu chuyện không phải đơn giản.

Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ nên hỗ trợ cho 1 số tỉnh khó khăn dựa trên phương án GPMB đã được Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài chính phải đảm bảo vốn cho địa phương, trước hết là nguồn vốn cho công tác GPMB, đặc biệt là các dự án tái định cư.

“Trong trường hợp phương án GPMB các địa phương chưa được phê duyệt thì Bộ Tài chính cho các địa phương ứng trước để không ảnh hưởng đến tiến độ dự án”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Chủ tịch, Bí thư phải ra đường giải thích cho dân rõ!

Thực tế hiện nay, tại hai dự án QL1 và QL14, nhiều công trình hạ tầng của Viettel, VNPT, EVN … nằm trong hành lang an toàn đường bộ được xây dựng tại nhiều thời điểm khác nhau sẽ phải di dời.

Tuy nhiên, các địa phương lại đang lúng túng trong việc xác định những công trình này có được hỗ trợ hay không…

{keywords}
Nhiều tỉnh còn chưa phê duyệt phương án GPMB tổng thể để làm thủ tục giao kế hoạch ứng vốn. (Ảnh:minh họa)

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, các địa phương cần thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đúng cam kết của các tập đoàn.

Bởi, khi các tập đoàn làm hạ tầng kỹ thuật vào đường bộ có cam kết làm tạm và khi có yêu cầu giải phóng thì giải phóng sau 3 ngày theo yêu cầu, nên trong điều kiện khó khăn về kinh phí sẽ không hỗ trợ di dời.

Ngoài khó khăn về tài chính, thì việc các địa phương ban hành giá đất chậm cũng đang gây khó khăn cho công tác GPMB.

Tại các vị trí giáp ranh có sự chênh lệch giá đền bù giữa địa phương này với địa phương khác dẫn đến việc người dân khúc mắc, khiếu kiện nhưng chưa được giải quyết dứt điểm….

Để công tác GPMB dự án đảm bảo tiến độ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tất cả các tỉnh phải thành lập ban GPMB để giải thích những chính sách cho dân rõ.

“Bí thư và Chủ tịch các địa phương phải xuống tận cơ sở để vận động nhân dân và giải quyết kịp thời các vướng mắc”, Phó Thủ tướng nói.

Vũ Điệp