Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn tại hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 mới đây.

Theo đó, một trong nhiều nhiệm vụ triển khai được Chủ tịch Bình Định nhấn mạnh, tiếp tục triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển, nâng cao năng lực hệ thống các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ; đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trong tháng 9, tiếp tục triển khai thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính. Chỉ đạo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại đông người, khiếu nại tồn đọng, không để xảy ra điểm nóng…

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn. Ảnh: D.P.

Báo cáo cũng cho hay, trong tháng 8, ngành Thanh tra tiếp tục triển khai thực hiện các cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2023 và thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Đã tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2023. Các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; đơn giản hóa, hiện đại hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng, tài nguyên và môi trường; tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính, thực thi công vụ tại các cơ quan, đơn vị qua đó đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Thử nghiệm Nhật ký khai thác điện tử trên các tàu cá

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thông tin, về thực hiện kế hoạch thử nghiệm nhật ký khai thác điện tử trên tàu câu cá ngừ đại dương: Ngành nông nghiệp đã trình UBND tỉnh phê duyệt và cấp bổ sung kinh phí triển khai thí điểm ứng dụng Hệ thống Nhật ký điện tử trên tàu khai thác xa bờ trên địa bàn tỉnh năm 2023. Tiếp tục phối hợp với các công ty nghiên cứu, theo dõi kết quả thử nghiệm Nhật ký điện khai thác điện tử trên các tàu cá đã lắp đặt…

Ngư dân đánh bắt cá trên biển

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho hay, hiện ở lĩnh vực quan trắc thủy văn, cảnh báo thiên tai, hệ thống gần 70 trạm quan trắc mưa tự động, 32 trạm quan trắc mực nước tự động trên các lưu vực sông, hồ chứa của tỉnh đã cung cấp dữ liệu liên tục, là cơ sở rất quan trọng để xây dựng các kịch bản ứng phó thiên tai. Hiện, Bình Định là tỉnh thực hiện sớm việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 3.242 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên.

Trong tháng 8 đã hoàn thành việc xây dựng, báo cáo Trung ương về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2024. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm của tỉnh; đẩy mạnh việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đã giao. UBND tỉnh đã thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đến 22/8/2023 là 4.605,951 tỷ đồng. So với kế hoạch Thủ tướng giao (7.630,637 tỷ đồng), giá trị giải ngân đạt 60,37%; so với Kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao (9.634,164 tỷ đồng), giá trị giải ngân đạt 47,82% kế hoạch vốn. Trong đó giá trị giải ngân một số nguồn vốn như sau: Vốn ngân sách địa phương đạt 44,63%; Vốn trung ương hỗ trợ mục tiêu đạt 66,34%; Vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt 35,61%; Vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia đạt 33,2%; Vốn hỗ trợ khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai đạt 98,26%; Vốn nước ngoài (ODA) đạt 47,49% kế hoạch năm…

Ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào phục vụ sản xuất

Những giải pháp UBND tỉnh đề ra trong tháng 9, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch, phấn đấu đến ngày 30/9/2023 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 60% kế hoạch vốn giao; xử lý các dự án chậm giải ngân, điều chuyển nguồn vốn sang thanh toán khối lượng hoàn thành các công trình quan trọng, cần thiết khác trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Chỉ đạo đẩy mạnh việc ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào phục vụ sản xuất và đời sống.

Triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước năm 2023. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu; phong trào thể dục thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm.

Tăng cường công tác kiểm tra quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; tiếp tục kiểm tra và có biện pháp xử lý đối với tổ chức và cá nhân vi phạm công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất ở các khu cụm công nghiệp, làng nghề và khu dân cư.

Lưu ý tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Định có rất nhiều bè nổi hoạt động kinh doanh ở đầm, sông và ven biển các xã Nhơn Hải, Nhơn Lý, phường Đống Đa, Nhơn Bình (TP Quy Nhơn). Tuy nhiên, do TP Quy Nhơn chưa có quy hoạch cụ thể nên các hoạt động này diễn ra tự phát, chưa đảm bảo các quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao UBND TP Quy Nhơn chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra và yêu cầu các nhà hàng tuân thủ nghiêm quy định về bảo vệ môi trường. Trong thời gian chưa di dời phải chấp hành việc thu gom nước thải, đồng thời ký hợp đồng với đơn vị thu gom xử lý theo quy định; không cho phép thải ra môi trường chưa qua xử lý…

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh: Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Bình Định nằm trong top 10 toàn quốc về chỉ số chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Để hoàn thành mục tiêu này, việc tập trung phát triển nguồn lực, trong đó tính toán, xây dựng cơ chế, chính sách riêng về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia… để thực hiện chuyển đổi số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp, người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số là rất quan trọng”

Nguyễn Hiền - D.Phúc