Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), ông Thiều Kim Quỳnh- Chủ tịch EVNNPC trải lòng về công việc, về nhiệm vụ và cả tương lai của doanh nghiệp này.
Áp lực là phải có điện cho dân
“18 năm làm phó tổng, tôi chả bao giờ sợ nhiệm vụ cả. Khi được giao nhiệm vụ, trọng trách lớn chúng tôi không thấy áp lực cá nhân, chỉ có áp lực để cho dòng điện chảy đến những nơi còn chưa có điện”, ông Thiều Kim Quỳnh bộc bạch.
Ngành điện lúc nào cũng phải đi trước một bước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào công cuộc an sinh xã hội. Một ngày dân thiếu điện để dùng là khiến những lãnh đạo như ông Thiều Kim Quỳnh không khỏi trăn trở.
“Không có gạo thì có bo bo, chạy về quê làm sắn khoai, điện đang dùng bỗng dưng không có thì khó chịu lắm. Điện không chỉ phục vụ chiếu sáng mà còn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân”, lãnh đạo EVNNPC chia sẻ.
Trong cuộc đời của vị lãnh đạo này, ông đã chứng kiến nhiều cuộc đóng điện cho dân, nhất là người dân ở những vùng sâu, vùng xa, những nơi chưa bao giờ có được ánh điện. “Đóng điện được cho dân, thấy vui sướng lắm”, ông Thiều Kim Quỳnh xúc động. Cảm xúc ấy chưa bao giờ vơi cạn trong mỗi cán bộ, lãnh đạo EVNNPC.
Rồi ông Thiều Kim Quỳnh nói về những cuộc cải tổ để EVNNPC phục vụ khách hàng tốt hơn, những vấn đề mà ông trăn trở. Tỷ lệ tổn thất điện năng tại EVNNPC đã giảm qua từng năm. Việc đầu tư đường dây để tránh tình trạng quá tải cục bộ cũng đã được lưu tâm.
Ngoài ra, để triển khai các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, EVNNPC phải quản trị bằng phương pháp hiện đại, bằng kĩ thuật số, ứng dụng công nghệ thông tin.
“Chúng tôi đang có chính sách đặc biệt là củng cố, đẩy mạnh để trong thời gian ngắn nhất công nghệ hóa, IT hóa hoạt động. Nói cách mạng công nghiệp 4.0 thì xa xôi, nhưng các cuộc họp của chúng tôi đã thực hiện online hết. Vận hành lưới điện, các trạm 110KV đã quản lí bằng online, vận hành từ xa, trạm không người trực. Trong tương lai, quản trị với ngành điện là rất quan trọng. Chúng tôi đang đẩy nhanh nhiệm vụ này. Đay là bước đột phá mà chúng tôi triển khai để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả, tăng độ minh bạch, giảm giá thành cho phần quản lý điện”, ông Thiều Kim Quỳnh nhấn mạnh.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt EVNNPC trước nhiều thách thức nhất là bài toán dư thừa lao động. Để hóa giải “điểm nghẽn” này, công ty đã triển khai theo 3 hướng: Chủ động sắp xếp có chọn lọc và ưu tiên cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất trong thực hiện các công việc quan trọng ở các mức độ khác nhau (từ cán bộ quản lý đến công nhân kỹ thuật), nhiều trường hợp EVNNPC sẽ đào tạo lại tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động.
Việc này sẽ tìm ra những lao động không còn phù hợp với cách thức kinh doanh mới, khi đó EVNNPC sẽ phối hợp với tổ chức công đoàn vận động nhân viên nghỉ chế độ dưới nhiều hình thức, vận dụng cơ chế chính sách đảm bảo lợi ích hợp pháp tối đa cho người lao động.
Tận tụy chăm sóc khách hàng - kim chỉ nam hoạt động
“Mục tiêu của chúng tôi là chăm sóc khách hàng tốt hơn”, Chủ tịch EVNNPC Thiều Kim Quỳnh chia sẻ, “Với 1 đơn vị có bề dày truyền thống 50 năm, mỗi chúng tôi đều ý thức được điều đó, từ lãnh đạo, đến những công nhân lao động. Đơn cử, không phải chờ khách hàng đến xin cấp điện, mà phải chủ động đi tìm để khách hàng sử dụng dịch vụ của mình”.
Theo ông Thiều Kim Quỳnh, khách hàng là người trả tiền cho mỗi kW điện họ dùng. Cho nên, không thể có chuyện khách hàng phải chịu cảnh mất điện. Đối với điện ở nông thôn, không thể chấp nhận việc “tối òm”, mà phải quan tâm đến việc cấp điện cho dân.
Ngoài ra, EVNNPC luôn yêu cầu thay đổi phong cách làm việc của người ngành điện, để làm sao bằng với các doanh nghiệp khác. Thái độ làm việc của công nhân ngành điện, chăm sóc khành hàng ít nhất bằng Viettel, Mobiphone, còn xa hơn nữa phải bằng Thái Lan, hơn nữa thì bằng Singapore.
Trên thực tế, công tác chăm sóc khách hàng (CSKH) luôn được EVNNPC coi trọng. Năm 2014, thủ tục cấp điện, đấu nối lưới trung áp của ngành điện năm 2014 gồm 5 bước, thời gian giải quyết 36 ngày, đến 2018, EVNNPC rút xuống còn 2 bước giải quyết dưới 6 ngày, đưa chỉ số tiếp cận điện năng của EVN tăng 129 bậc, từ 156 lên 27. Tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng, xã hội, đưa Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia ASEAN - 4, đạt mục tiêu đặt ra của Chính phủ đến 2020.
Cuối năm 2015, EVNNPC đã xây dựng đưa vào vận hành trung tâm CSKH qua tổng đài 19006769 hoạt động 24/7 cung cấp thông tin, giải đáp, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc. Việc thành lập trung tâm này giúp EVNNPC tiếp nhận nhanh chóng ý kiến, hỗ trợ khách hàng trong quá trình sử dụng điện, nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ đản bảo tối đa quyền lợi cho người sử dụng.
Từ 2015 đến cuối 2017, trung tâm CSKH đã tiếp nhận 3.273.846 yêu cầu của khách, các đơn vị tiếp nhận, xử lý kịp thời. Năm 2018, triển khai 2 phần mềm, CSKH đa kênh và tiếp nhận dịch vụ điện trực tuyến trên web, nâng số lượng yêu cầu cấp điện mới tăng 4,66 lần so với cùng kỳ, đây là dịch vụ có số lượng tăng lớn nhất.
Hà Nam