- Thảo luận dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi tại UB Thường vụ QH hôm nay (13/1), Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu hạn chế tối đa những quy định ngăn cấm người dân.
>> Khám chữa bệnh BHYT: Dễ cho quản lý, khó cho dân
Ông Hùng nhấn mạnh nguyên tắc của BHYT là “người khỏe đóng tiền để dùng khi ốm, nếu không ốm thì để cho người ốm khác dùng” và quỹ BHYT là “quỹ của người bệnh trả cho việc chữa bệnh chứ không phải quỹ khám chữa bệnh của các bệnh viện”.
Bám các nguyên tắc này, Chủ tịch QH yêu cầu luật hạn chế tối đa việc ngăn cấm người dân. “Cầm cái thẻ mà đến bệnh viện gần nhà bảo không được, bắt ra bệnh viện cách nhà cả chục cây số, đó là cách quản lý cát cứ rất dở, yếu kém, làm khổ dân, đặc biệt là dân ở vùng sâu vùng xa”, ông Hùng nói.
Liên hệ với quy định về học trái tuyến, Chủ tịch QH tỏ rõ thái độ: đó là vi phạm quyền học và chữa bệnh của nhân dân. “Học trái tuyến thì lúc nào cũng có, ở một quận thì nửa dân số là trái tuyến, quy định như vậy sẽ phát sinh tiêu cực, chạy chọt”, ông Hùng nói.
“Các đồng chí đã phải nộp tiền chưa?”, Chủ tịch QH chắc chắn gia đình nào cũng gặp các vấn đề “trái tuyến” này.
“Đây là vấn đề đạo đức xã hội, giờ ta ca thán nhiều về y đức mà cứ quy định thế này thì bao giờ hết câu chuyện y đức”, ông Hùng yêu cầu sửa hết các quy định này.
Theo đó trong chính sách BHYT sẽ không phân biệt bệnh viện công và tư, người dân tin tưởng bệnh viện nào thì đến đó chữa chạy. “Khó cho quản lý là việc của nhà nước phải giải quyết”, Chủ tịch QH yêu cầu.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Cũng theo các nguyên tắc trên, ông Nguyễn Sinh Hùng ủng hộ việc toàn dân đóng bảo hiểm ý tế bắt buộc và đổi tên thành luật Bảo hiểm y tế toàn dân.
“Ai cũng phải đóng, người không đóng được thì nhà nước giúp đóng, đó là định hướng XHCN”, Chủ tịch QH nói, “Quỹ BHYT toàn dân được quản lý thống nhất một tài khoản”.
Đây cũng là phương án mà UB Các vấn đề xã hội QH ủng hộ khi thẩm tra dự luật này. Bộ Y tế chia sẻ khi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết “không bắt buộc thì luật khó khả thi”.
Riêng Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn có ý kiến: BHYT toàn dân bắt buộc có thể là hướng đi trong tương lai chứ chưa thể là ngay bây giờ.
Dự thảo luật vẫn để hai phương án bắt buộc và tự nguyện để các ĐBQH thảo luận tại kỳ họp tới.
Người làm luật không hiểu gì về người đồng tính
Hôm nay UB Thường vụ QH cũng thảo luận dử thảo luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý không đồng ý với việc luật không cấm mà cũng không thừa nhận hôn nhân đồng tính.
“Sửa quy định này, hiện đang cấm, thì phải phù hợp Hiến pháp và xu hướng phát triển của xã hội, không thể sửa mà không công nhận, nhưng công nhận thì phải có tổng kết, có cơ sở, chưa có cơ sở thì chưa nên sửa”, ông Lý nói.
Theo Chủ tịch HĐ Dân tộc Ksor Phước, cần phân biệt rõ, đồng tính có thể chưa đúng trong phạm trù hôn nhân, nhưng lại đúng trong phạm trù gia đình.
“Phải có tổng kết, phải lắng nghe những người trong giới này, chứ chính tôi cũng chưa hiểu hết”, ông Phước nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ điều này: Tôi thấy nhiều người đồng tính nói rằng những người làm luật không hiểu gì về họ, chỉ làm theo ý chí của mình.
“Họ nói không cấm cũng là tiến bộ rồi, nhưng sao QH không công nhận đi, đây cũng là xu hướng của thế giới tiến bộ, nhưng nói thật chính tôi cũng chưa hiểu hết. Người làm luật nên giải thích rõ ràng chứ không nên lấy số nhiều để áp đặt”.
Quy định về tuổi kết hôn cũng khiến các ủy viên Thường vụ không hài lòng. Việc hạ độ tuổi kết hôn của cả nam nữ xuống đủ 18 tuổi để “bình đẳng giới” không thuyết phục.
Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, sửa luật nếu không nâng được tuổi kết hôn lên 20 đối với cả hai giới thì tốt nhất giữ nguyên năm 20, nữ 18 như hiện hành.
Ông Ksor Phước đồng tình: Không nên hạ tuổi kết hôn khi nước ta đang hướng đến văn minh và trong thực thế, độ tuổi kết hôn ngày càng tăng.
“Còn với những phát sinh do các vùng đồng bào dân tộc thiểu số có phong tục tập quán riêng thì luật phải lưu ý để điều chỉnh cho phù hợp”, ông Phước nói.
Đối với cả hai dự luật sửa đổi, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, làm luật giờ trọng chất lượng hơn số lượng, nếu chưa quyết được thì chưa thông qua, “đã quyết thì phải chắc ăn”.
Chung Hoàng