Chiều 10/6, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ có buổi làm việc với Học viện Quân y, trong đó đặc biệt lưu ý đến lĩnh vực nghiên cứu vắc xin Covid-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ phòng chống hiệu quả dịch bệnh là trọng tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ kép, do đó chiến lược vắc xin là vũ khí quan trọng nhất.

Ông Huệ cho biết, hiện tại việc tiếp cận các nguồn vắc xin trên thế giới rất khó do nguồn cung khan hiếm. Nhiều nước giàu hơn Việt Nam nhưng cũng không mua được, vì vậy chúng ta phải tự lực nghiên cứu để sớm có vắc xin.

“Nếu không sớm có miễn dịch cộng đồng bằng tiêm chủng vắc xin sẽ rất khó kiểm soát được hoàn toàn bệnh dịch trong phạm vi nước ta và trên thế giới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trước mắt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Học viện Quân y phối hợp với các bộ ngành liên quan khẩn trương thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin Nanocovax, phấn đấu sớm có kết quả để có vắc xin phòng bệnh cho cộng đồng.

Thế giới đang có hơn 200 tổ chức nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19, vì vậy Học viện Quân y phải đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng nhưng vẫn đảm bảo vắc xin có chất lượng cao và có thể sản xuất hàng loạt, giá cả cạnh tranh nếu không sẽ mất cơ hội.

Ngoài ra, trong tương lai, có thể còn xuất hiện nhiều bệnh truyền nhiễm khác nên phải có hướng nghiên cứu dài hơn hơn nữa.

Tại Học viện Quân y hiện đã có hơn 7.000 tình nguyện viên đăng ký tham gia thử nghiệm, trong đó hơn 600 người đã được khám sàng lọc sức khoẻ đủ điều kiện tham gia giai đoạn 3.

{keywords}

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc tại Học viện Quân Y chiều 10/6. Ảnh: Phạm Hải 

Theo đề cương nghiên cứu, giai đoạn 3 sẽ thử nghiệm trên khoảng 13.000 tình nguyện viên tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Hưng Yên, Long An, Tiền Giang…

Trong giai đoạn 3, các tình nguyện viên được chia thành 2 nhóm, một nhóm tiêm vắc xin Nanocovax liều 25mcg, 1 nhóm tiêm giả dược thành phần là tá dược nhôm. Bước đầu, Học viên Quân y sẽ tiêm cho 1.000 tình nguyện viên.

Hiện tại, Nanocovax của công ty Nanogen là ứng viên vắc xin Covid-19 tiềm năng nhất tại Việt Nam. Theo sau là vắc xin Covivac của Ivac chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 2.

Vắc xin Nanocovax sản xuất dựa trên công nghệ tái tổ hợp, bắt đầu nghiên cứu từ tháng 5/2020, 7 tháng sau bắt đầu thử nghiệm lâm sàng.

Trong giai đoạn 2, vắc xin Nanocovax đã tiêm thử nghiệm cho 554 tình nguyện viên, trong đó có 109 người trên 60 tuổi, đây là lứa tuổi dễ tổn thương, nhạy cảm với bệnh và nếu mắc bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn nhóm trẻ. Người nặng cân nhất tham gia là 98kg, BMI 31.

Giai đoạn 2, nhóm nghiên cứu tiêm 4 nhóm, gồm 3 nhóm tiêm liều 25mcg, 50mcg, 75mcg và 1 nhóm tiêm giả dược để đánh giá tính an toàn, sinh miễn dịch của vắc xin và chọn liều tối ưu.

Kết quả, vắc xin an toàn, 100% tình nguyện viên đều sinh miễn dịch. Các phản ứng phụ của Nanocovax thậm chí còn thấp hơn Pfizer và Moderna.

Việc phát triển vắc xin ngừa Covid-19 nội được xem là trọng tâm của Chính phủ, tiến tới chủ động vắc xin phòng chống kiểm soát dịch bệnh.

Nhiều khả năng ngay trong năm nay, Việt Nam có thể xem xét cấp phép khẩn cấp vắc xin Nanocovax để tiêm cho người dân.

Thúy Hạnh

Tác dụng phụ vắc xin Covid-19 Nanocovax thấp hơn Pfizer, Moderna

Tác dụng phụ vắc xin Covid-19 Nanocovax thấp hơn Pfizer, Moderna

Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, vắc xin Covid-19 Nanocovax có tác dụng phụ thấp hơn hẳn ba loại vắc xin phổ biến hàng đầu thế giới.