Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cho biết như trên trong phần phát biểu tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, ngày 11/8.
Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong |
Cụ thể, ông Phong cho biết thành phố đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021 - 2025 để cụ thể hóa các nội dung với các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, thiết thực.
Trong đó, tập trung hoàn thành và triển khai hiệu quả 5 chương trình, đề án trong 3 Chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đề ra.
Đó là, Chương trình đột phá đổi mới quản lý thành phố; Chương trình đột phá phát triển hạ tầng; Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa; Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển thành phố.
“Các chương trình đột phá, trọng điểm của thành phố hiện nay đang thực hiện cũng là cụ thể hóa 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, ông Phong cho hay.
Người đứng đầu chính quyền TP cũng cho biết, thành phố đã đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm khoảng 8%. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đã tác động rất nghiêm trọng đến kinh tế thành phố.
Qua cập nhật dự báo cho thấy, trong 2 năm đầu nhiệm kỳ, tốc độ sẽ thấp hơn bình quân chung toàn giai đoạn rất nhiều nếu dịch bệnh chậm được kiểm soát.
Riêng những tháng cuối năm 2021, dự báo kinh tế sẽ rất khó khăn và phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố như: khả năng kiểm soát tình hình dịch bệnh; tiến độ triển khai và mức độ phủ vắc xin đối với người dân; khả năng chống chịu của doanh nghiệp, diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới và các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng trong nước…
Vì vậy, ông Phong cho biết, kịch bản tăng trưởng kinh tế TP sẽ liên tục được cập nhật phù hợp với từng giai đoạn.
Tập trung kiểm soát dịch
Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, dù ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, thành phố xác định vẫn giữ các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra với tinh thần, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn với 5 nhóm giải pháp trọng tâm:
TP.HCM tập trung kiểm soát dịch để phát triển kinh tế |
Thứ nhất, tập trung, quyết liệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, nhất là Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ việc giãn cách xã hội, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc "chặt ngoài, lỏng trong".
Triển khai giải pháp, lộ trình cụ thể để “xanh hóa” các khu vực nguy cơ cao, rất cao; thực hiện đồng bộ xét nghiệm, chăm sóc, điều trị để giảm tối đa tử vong.
Không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa; không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói, thiếu mặc do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng đại trà vắc xin cho toàn bộ người dân thành phố theo kế hoạch; phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn thành phố trước ngày 15/9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ.
Thứ hai, rà soát, đề xuất tháo gỡ các vướng mắc về thể chế; tập trung giải quyết các điểm nghẽn kìm hãm phát triển của thành phố, nhất là hạ tầng đô thị.
Sớm hoàn thành việc lập quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2011 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; quy hoạch không gian ngầm đô thị, xem đây là khâu quan trọng, là cơ sở để quản lý, định hướng mọi hoạt động phát triển của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn.
Đây nhanh tiến độ các chương trình, dự án phát triển hạ tầng nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề đặt ra: kết nối liên vùng, giảm ùn tắc giao thông, chống ngập, giảm ô nhiễm môi trường.
Thứ ba, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đưa Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo thành phố, Trung tâm tư vấn và hỗ trợ Chuyển đổi số đi vào hoạt động; triển khai giai đoạn 2 Đề án xây dựng đô thị thông minh; triển khai quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố (thuộc thành phố Thủ Đức).
Phát triển toàn diện kinh tế số, chính quyền số, xã hội số, để đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ trọng 25% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số chiếm 40% GRDP của thành phố.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh và có điều kiện tham gia kết nối sâu vào các chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.
Thứ năm, quan tâm phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa-xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Phát triển giáo dục thông minh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng với yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát triển mạnh mẽ y tế thông minh, đầu tư phát triển thành phố trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của phía Nam và khu vực Đông Nam Á.
Thực hiện tốt chính sách người có công, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng gia đình hạnh phúc; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng-an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.
Bí thư TP.HCM: Thực hiện đồng bộ điều trị, chăm lo F0 gắn với hạn chế số ca tử vong
"Với niềm tin, sức mạnh đoàn kết, thống nhất ý chí hành động, phối hợp chặt chẽ, chúng ta cùng làm tốt hơn việc đang làm, sớm đẩy lùi dịch bệnh”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu.
Hồ Văn