Theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ VII, mục tiêu về giao thông vận tải giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tạo ra kết cấu đồng bộ, hiện đại, bền vững; trong đó giao thông đường bộ là trọng tâm, cảng biển là trụ cột, giao thông đường thủy, hàng không là tăng lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế.

Việc hoàn thiện về hạ tầng giao thông sẽ giúp tỉnh phát huy tối đã các tiềm năng kinh tế của tỉnh như du lịch, cảng biển, công nghiệp... Đồng thời, sẽ giúp Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút được nhiều hơn nữa đầu tư trong và ngoài nước.

Theo đó, từ nhiều năm qua, hạ tầng giao thông là 1 trong những lĩnh vực được Bà Rịa - Vũng Tàu quan tâm và phát triển mạnh mẽ. Hạ tầng giao thông đồng bộ không chỉ kết nối từ thành thị đến nông thôn mà còn liên kết thuận lợi với các tỉnh, thành trong khu vực và vươn ra thế giới qua hệ thống giao thông đa phương thức.

Nhiều tuyến đường có quy mô hàng nghìn tỷ đồng, tạo sức bật mạnh mẽ cho các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Cùng với nhiều tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 51, Quốc lộ 56, Quốc lộ 55, các tuyến đường liên tỉnh, đường ven biển... đang phát huy hiệu quả cho phát triển kinh tế. 

Ảnh minh hoạ

Từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã lên kế hoạch tập trung chủ yếu vào phát triển hệ thống giao thông kết nối.

Thứ nhất, về đường bộ sẽ khởi công tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào đầu năm 2023 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.

Thứ hai, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh trong đó có đoạn qua Bà Rịa-Vũng Tàu đang trình Chính phủ phê duyệt dự án tiền khả thi, sau đó chuẩn bị các thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào năm 2024 và dự kiến kết thúc vào năm 2030, đồng bộ với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh khai thác toàn bộ đường Vành đai 4.

Cùng với đó, dự án cầu Phước An nối đường liên cảng với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, đấu nối đường Vành đai 3 TP. HCM, nối Bình Dương với khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải qua Đồng Nai. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường ĐT 994... là các dự án vừa được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi công đồng loạt vào tháng 6/2023.

Đặc biệt, đảo Gò Găng (xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu) với một vị thế chiến lược trong phát triển nền kinh tế biển từ lâu đã được nối đôi bờ với cầu Gò Găng, cầu Chà Và và đường qua Long Sơn.

Bên cạnh đó, với một cảng hàng không (Côn Đảo) và một sân bay chuyên dụng (Vũng Tàu), tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang có kế hoạch nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo, mở rộng đường băng để đón được máy bay cỡ lớn, hoạt động cả đêm lẫn ngày, đảm bảo đến năm 2030 có thể đón 2 triệu khách/năm và năm 2040-2050 nâng lên 5 triệu khách/năm.

Đối với sân bay chuyên dụng Vũng Tàu (hiện đang chuẩn bị dời về Gò Găng theo quy hoạch của Chính phủ), tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ đề nghị với Chính phủ và Bộ Giao thông và Vận tải nâng cấp thành cảng hàng không. Khi đó, Cảng hàng không Vũng Tàu cũng sẽ kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân trong tỉnh, khu vực và quốc gia.

Có một đặc điểm chung, tất cả dự án giao thông từ đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đều có kết nối với các cảng biển, khu công nghiệp và các khu du lịch nằm tập trung phía Đông và phía Tây ven biển của tỉnh. Bởi vậy, khi các dự án trên hoàn thiện và đưa vào khai thác không chỉ khẳng định vai trò quan trọng, là cửa ngõ trung chuyển quốc tế mà còn góp phần cắt giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.

Châu Đức