Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành, địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tổ chức rất nhiều các hội nghị, hội thảo quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa là lợi thế phát triển của các địa phương tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Quảng Ninh… đã kết nối được hơn 60 doanh nghiệp với trên 80 hợp đồng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

W-anhcho-1.png
Cửa hàng tiện lợi khu vực biên giới tỉnh Quảng Bình

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã lồng ghép vào các chương trình kết nối cung cầu mục tiêu quốc gia cũng như các đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để kết nối hàng ngàn doanh nghiệp cũng như hộ kinh doanh, hợp tác xã để đưa được hàng vào hệ thống phân phối trên toàn quốc và xuất khẩu với con số hàng ngàn hợp đồng và con số tiêu thụ hàng triệu nghìn tỉ đồng.

Mục tiêu cụ thể của chương trình kết nối hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo trong cả giai đoạn 2021-2025 phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9 - 11% hàng năm; phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực; khuyến khích, phát triển thương nhân, doanh nghiệp có năng lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mỗi năm tăng trung bình 8 - 10% số lượng thương nhân, doanh nghiệp này.

Đồng thời, xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về cơ chế, chính sách cho phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thống nhất, đồng bộ;… Chương trình được thực hiện tại 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc 48 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Vân Anh và nhóm PV, BTV