Năm 2023, trong bối cảnh hiện tượng thời tiết cực đoan với các hình thái thiên nhiên như: Hạn hán, động đất, bão lũ, mưa lớn kéo dài, sạt lở… đã ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng người dân và tài sản của Nhà nước.

Đặc biệt, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, nhất là biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, động đất, tình hình dịch bệnh tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặt ra nhiều yêu cầu mới, cấp bách đối với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Căn cứ Nghị định số 02/2019/NĐ-CP, ngày 2/1/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự; căn cứ chương trình công tác năm 2023 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự; Chỉ thị số 975/CT-QK3 về việc tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập, hồ thủy điện Hòa Bình; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ban chỉ đạo Tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình năm 2023 với chủ đề "Tỉnh Hòa Bình phối hợp với các lực lượng có liên quan tổ chức phòng thủ dân sự tỉnh ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập, hồ thủy điện Hòa Bình”.

Trong bài viết đăng trên báo Hoà Bình điện tử, ông Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh, cuộc diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình năm 2023 nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các cấp, vai trò tham mưu của cơ quan, đơn vị, các sở, ban, ngành, công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong phòng thủ dân sự.

Đồng thời, kiểm tra, đánh giá công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch, chỉ huy điều hành, khả năng huy động các nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ. Trên cơ sở đó, bổ sung điều chỉnh kế hoạch phương án sát tình hình thực tế của địa phương, hiệu quả cao.

Cuộc diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập, hồ thủy điện Hòa Bình gồm 2 giai đoạn diễn tập. Giai đoạn 1: diễn tập vận hành cơ chế và giai đoạn 2: thực hành ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến hồ, đập thủy điện Hòa Bình và tìm kiếm cứu nạn.

Với 8 vấn đề huấn luyện bao gồm nhiều nội dung quan trọng và đã từng xảy ra trong thực tế như: Hiện tượng sạt lở, ngập úng… cho thấy cuộc diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó thảm họa thiên tai, động đất ảnh hưởng đến đập, hồ thủy điện Hòa Bình là cuộc diễn tập có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thiết thực.

Việc thực hiện thành công cuộc diễn tập có giá trị như một bộ giáo án giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền rút ra được cơ chế vận hành, cách thức điều hành, triển khai ứng phó khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Ngay sau khi nhận được chủ trương của Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo bổ sung nhiệm vụ diễn tập vào nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của tỉnh Hòa Bình năm 2023; đồng thời chỉ đạo khảo sát thực địa, xác định nội dung, xây dựng ý định diễn tập theo đúng Chỉ thị của Tư lệnh Quân khu.

Để cuộc diễn tập thành công tốt đẹp theo đúng tinh thần diễn tập đảm bảo chặt chẽ, đúng nguyên tắc, an toàn tuyệt đối về mọi mặt, tỉnh yêu cầu tập trung làm tốt những nhiệm vụ sau:

Nắm chắc quan điểm, đường lối của Đảng về chiến lược quốc phòng-an ninh trong tình hình mới; quán triệt sâu sắc quan điểm, mục đích, ý nghĩa, quy mô cuộc diễn tập; bám sát nguyên tắc, gắn lý luận về xây dựng khu vực phòng thủ, các quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai với đặc điểm, điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để giải quyết kịp thời các tình huống xảy ra.

Quá trình diễn tập quán triệt tốt tư tưởng chỉ đạo "Chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh, có hiệu quả, lấy phòng là chính” vận dụng sáng tạo phương châm "4 tại chỗ” và nguyên tắc "thống nhất chỉ huy, kiên quyết triệt để và kịp thời, tập trung lực lượng có trọng điểm”.

Quán triệt và thực hiện đúng phương án diễn tập đã được Ban chỉ đạo diễn tập thông qua; triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn, an ninh cho các khu diễn tập, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, trang thiết bị, phương tiện giao thông… trong quá trình diễn tập. Đặc biệt quá trình diễn tập không để ảnh hưởng đến các hoạt động của Công ty Thủy điện Hòa Bình, các doanh nghiệp, cá nhân và sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Sau diễn tập tổ chức rút kinh nghiệm, nhanh chóng bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch phòng thủ dân sự, kế hoạch ứng phó với thảm họa, động đất, thiên tai của các cấp, các ngành cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp về thiên tai, tìm kiếm cứu nạn có thể xảy ra trong thực tiễn.

Thuý Tình và nhóm PV, BTV