Thông tin đáng quan ngại này được cảnh báo bởi Tiến sĩ Vũ Bá Thao và nhóm nghiên cứu ở Viện Thủy công, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.

Theo nhóm nghiên cứu của Viện Thủy công, có 3 nhóm nguyên nhân làm phát sinh lũ quét, lũ bùn đá.

Một là địa hình địa mạo. Địa hình đồi núi mái dốc lớn, thường trên 200, địa hình bị chia cắt mạnh cả theo phương đứng và phương ngang. Lưu vực phát sinh lũ bùn đá thường có hình chữ U tập trung nước (ba mặt lưu vực là mái dốc đồi núi, phía còn lại là khe, suối chảy ra cửa lưu vực).

Hai là nguồn vật chất đất, đá, bùn, gỗ. Địa chất bở rời, đất đá bị phong hóa, động đất, sự vận động các đới đứt gãy, nguồn vật liệu thải từ các hoạt động dân sinh, đều là các tác nhân tạo nên nguồn vật chất tạo nên dòng lũ bùn đá.

Ba là nguồn nước. Các trận mưa lớn, tập trung, dài ngày tạo nên nguồn nước lớn tập trung ở những thung lũng, khe suối có lưu vực hình dạng chữ U. Lượng nước lớn này một khi kết hợp với nguồn vật chất lớn, trên địa hình mái dốc, thung lũng, hoặc suối dốc sẽ tạo thành dòng lũ bùn đá.

Ngoài ra, nguyên nhân còn do các hoạt động dân sinh như: Chặt phá rừng và cháy rừng; Các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng; Các hoạt động khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; Sự gia tăng dân số và tập quán sinh hoạt của người dân.

Nghiên cứu của Viện Thủy công về tình hình thiên tai lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở, trượt lở tại Việt Nam giai đoạn 1953 - 2020 cho hay: Từ năm 1953 - 1990 có trung bình 4 trận/năm; 1991-2000 trung bình 10 trận/năm; 2001 – 2010 tăng lên 24 trận/năm; và 2011 – 2020 tăng tiếp lên mức trung bình 37 trận/năm.

Có thể thấy, tần suất, cường độ, mức độ thiệt hại do thiên tai lũ quét, lũ bùn đá, trượt lở, sạt lở đều tăng. Đối tượng chịu thiệt hại ngày càng nhiều. Phạm vi ảnh hưởng cũng tăng và khó lường.

Đặc biệt, lũ miền núi kèm theo đất đá (lũ bùn đá) có sức tàn phá gấp bội phần so với lũ quét thông thường. Điển hình như vụ lũ bùn đá Mù Cang Chải (Yên Bái) xảy ra lúc 4h ngày 2/8/2017, khiến 15 người chết và mất tích, 279 ngôi nhà bị sập và phá hủy, đường xá và cầu cống bị hư hỏng nặng.

Tại các khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, có cả sự tích hợp đa dạng, phức tạp các loại hình: lũ quét, lũ bùn, lũ đá, lũ bùn đá, trượt sâu, trượt nông, sạt lở, đá rơi, đá lăn, phức hợp trượt – sạt – lũ bùn đá – lũ quét.

Khác với lũ lụt, lũ quét trên sông, suối, lũ bùn đá xuất hiện tại thượng nguồn, vận động trong các thung lũng, khe suối, có sức tàn phá rất lớn, trong đó bùn – đá - gỗ là tác nhân chính gây thảm họa đối với cơ sở hạ tầng, người và tài sản. 

anh bai 6.jpg
Lũ bùn đá có sức tàn phá gấp bội phần so với lũ quét thông thường. Ảnh: B.M

Có 3 loại lũ bùn đá được nhận diện:

Một là lũ bùn đá do trượt lở hàng hoạt. Loại lũ này có tần suất thấp, thường phải hơn 30 năm mới có một lần; vận tốc lớn, phát sinh bất ngờ, sức tàn phá và ảnh hưởng lớn. Đáng chú ý, loại lũ này khó phòng chống, nhưng hiện vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu.

Hai là lũ bùn đá do xói lở, sạt lở: Tần suất cao, hàng năm hoặc một vài năm/lần; vận tốc chậm, sức tàn phá và ảnh hưởng lớn, không bất ngờ. Loại lũ bùn đá này có thể kiểm soát, phòng tránh, song cũng chưa được quan tâm nghiên cứu.

Ba là lũ quét hỗn hợp ở suối, sông nhỏ: Tần suất cao, diễn ra hàng năm hoặc một vài năm/lần; vận tốc lớn; phạm vi ảnh hưởng lớn, nhưng chủ yếu gây ngập lụt, sức tàn phá nhỏ, thường xảy ra ở các lưu vực cấp 2, 3, 4. Loại lũ này có thể phòng tránh với nhiều giải pháp kè, đê.

“Theo kinh nghiệm trên thế giới, đập chắn bùn đá là công trình hiệu quả nhất trong các loại công trình phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai lũ bùn đá gây ra, nhưng chưa được áp dụng tại Việt Nam vì điều kiện kinh tế, kỹ thuật, nhận thức… còn hạn chế. Đập bùn đá không chỉ ngăn chặn, lưu giữ toàn bộ hoặc một phần bùn đá mà còn giảm khả năng phát sinh sạt trượt khu vực sinh lũ, giảm nguy cơ dịch chuyển trầm tích đáy dòng chảy, giảm độ dốc dòng dẫn và năng lượng dòng chảy, nhờ đó mà kiểm soát và giảm nhẹ thiệt hại. Thế nhưng tại Việt Nam hiện vẫn chưa có giải pháp công trình chống lũ bùn đá; chưa có trường, viện nghiên cứu chuyên sâu về công trình phòng chống lũ bùn đá; Chưa có tiêu chuẩn, hướng dẫn, sổ tay, giáo trình về lũ bùn đá”, Tiến sĩ Vũ Bá Thao băn khoăn chia sẻ thông tin.

Được biết, Viện Thủy công đã được phê duyệt một số nội dung nghiên cứu thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2025, gồm: Xây dựng tiêu chuẩn, hướng dẫn, sổ tay liên quan đến lũ bùn đá; Hoàn thiện quy trình điều tra, khảo sát, phân loại, xác định thông số lũ bùn đá; Mô hình thí nghiệm vật lý và mô hình số mô phỏng quá trình vận động, mức độ ảnh hưởng, và hiệu quả đập chắn lũ bùn đá; Thiết kế đập dâng đa mục tiêu có xét đến thiên tai lũ bùn đá; Sách hướng dẫn thiết kế xây dựng đập chắn bùn đá; Hợp tác quốc tế trong dự án JICA về lũ bùn đá.

Bình Minh