Sau hơn 01 năm thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP, công tác triển khai bước đầu đã đem lại kết quả khả quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy CNHT phát triển.

 

Mặc dù vậy, việc triển khai, thực thi các định hướng và quan điểm chỉ đạo của Chính phủ theo Nghị quyết số 115/NQ-CP vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa thực sự nổi bật và rõ nét. Nhiều giải pháp đề ra ở Nghị quyết 115 vẫn gặp khó khăn khi triển khai, trong đó, điển hình là cấp bù lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. 

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thường từng bày tỏ kỳ vọng, mức cấp bù này là 5% lãi suất. Tuy nhiên, việc thực thi lại phụ thuộc vào phía Ngân hàng Nhà nước. Cho đến nay sau 1 năm, giữa Cục Công nghiệp và Ngân hàng Nhà nước vẫn dừng lại ở mức trao đổi thông tin và soạn thảo các hướng dẫn liên quan.

Một trong các khó khăn khác là dịch Covid-19 bùng nổ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng bị gián đoạn sản xuất. Vì vậy, hiệu quả thực thi Nghị quyết 115 bị chậm lại.

Thời gian tới, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành và các địa phương cần phải có các giải pháp quyết liệt hơn nữa để tạo ra sự đột phá, thúc đẩy CNHT phát triển vượt bậc, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam bền vững trong 10 năm tới.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, đời sống nhân dân, Việt Nam là một trong số ít quốc gia duy trì được tốc độ tăng trưởng dương đạt mức gần 3% trong năm 2020 và đạt 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%;

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ lực và là điểm sáng tăng trưởng trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đã khiến các ngành sản xuất chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ chịu ảnh hưởng nặng nề dẫn đến nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sức cạnh tranh còn thấp, gặp nhiều khó khăn để duy trì sản xuất trong bối cảnh đại dịch kéo dài. 

Trước bối cảnh đó, việc triển khai Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ là hết sức cấp bách và quan trọng nhằm kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh mới. 

Bảo Bảo