- "Thu chi đầu năm học, phân luồng học sinh, nâng cao chất lượng giáo viên, chính sách cho sinh viên nghèo..." là những vấn đề được mổ xẻ tại buổi họp báo đầu năm học mới 2012-2013 tại Bộ GD-ĐT chiều 30/8.

Tái diễn lạm thu


HS Trường Tiểu học Vĩnh Ngọc (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) trong giờ ra chơi. (Ảnh: Văn Chung).

Trước thực tế cứ đến đầu năm ở các trường lại xảy ra tình trạng lạm thu, một số ý kiến cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc ngân sách của nhà nước chi về các trường không đủ. Lãnh đạo một số trường đưa giải pháp "nên tăng học phí để tránh hiện tượng lạm thu tràn lan như hiện nay".

Ông Lê Khánh Tuấn – phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết, Bộ đã làm việc với các tỉnh, bộ ngành và thống nhất trình Thủ tướng. Tuy nhiên chúng tôi chưa đặt vấn đề tăng học phí trong điều kiện kinh tế như hiện nay. 

Theo ông Tuấn, khắc phục lạm thu cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó quan tâm để đảm bảo đủ nguồn đầu tư ngân sách theo quy định. Trước mắt là đảm bảo nguyên tắc 80% chi cho con người và 20% chi cho hoạt động.

Thừa nhận thực tế ở một số địa phương đã xuất hiện tình trạng lạm thu đầu năm học, ông Tuấn cho hay Bộ GD-ĐT cùng các UBND tỉnh, thành phố đã vào cuộc. Nếu phát hiện tình trạng trên sẽ có biện pháp xử lí nghiêm.

50.000 tỷ đồng hỗ trợ SV vay vốn

Tại buổi họp báo, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ công tác học sinh-sinh viên (Bộ GD-ĐT )cho hay: “Việc được vay tín dụng đã tăng đến 1 triệu đồng/tháng/sinh viên. Tức mỗi năm các em được vay 10 triệu để trang trải học phí và lo cuộc sống, tránh tình trạng vì nghèo mà bỏ học”.

Cho tới nay đã có trên 2 triệu sinh viên đã được vay vốn. Nhằm đảm bảo cho công tác hỗ trợ, dự kiến số vốn cần gần 50.000 tỷ đồng.

Về chính sách nhà ở cho SV được ông Anh  cho biết, Bộ đã kết hợp với các địa phương để thuyết phục các chủ nhà trọ không tăng giá nhà.

Trường chuẩn, lớp đông là không tránh khỏi

"Tình trạng lớp học quá đông ở các trường, đặc biệt ở các TP lớp dẫn đến quá tải  về sĩ số là vấn đề Bộ đã  biết. Hiện tượng này xuất phát từ thực tế ở thành phố lớn hàng năm đều có lượng di cư lớn, học sinh ngày càng đông, còn ở nông thôn ngày càng ít đi. Như vậy TP không xây dựng kịp trường học. Trách nhiệm là ở UBND các tỉnh, TP"  - Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Lê Tiến Thành nhìn nhận.

Rồi ông trấn an, ngành giáo dục muốn tất cả các trẻ đều được đến trường. Nếu như xe khách 30 chỗ không thể nhét được 50 người, 20 người còn lại không được đi thì trong giáo dục không thể chỉ chấp nhận 30 người và từ chối không cho những em còn lại học. Tỉnh, TP cũng không thể kiếm thêm được trường. Trong tất cả các giải pháp, phải chấp nhận một giải pháp.

“Chúng tôi biết các TP đều cố gắng xây trường, giảm học sinh trên một lớp nhưng để đạt được con số mong muốn thì các UBND phải cố gắng nhiều. Chúng ta rất bức xúc về sự mất cân đối nhưng đó là thực tế mà hiện tại chúng ta phải chia sẻ, không thể có một giải pháp tức thì được” – ông Thành nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi: Việc công nhận trường chuẩn quốc gia, nếu sĩ số học sinh quá đông liệu có tiếp tục được là “chuẩn” không? - ông Thành cho hay: “Chúng ta không phải công nhận một lần là mãi mãi. Cũng như phổ cập giáo dục, năm sau vẫn phải làm. Như vậy mới đảm bảo chất lượng.”.

Phân luồng vẫn gặp khó

Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ GD Chuyên nghiệp: “Công tác phân luồng đã đặt ra nhiều năm nay nhưng tiến triển chưa được bao nhiêu...."

Những khó khăn được chỉ ra là: trong quản lí khi cả  Bộ Lao động- Thương binh-Xã hội và Bộ GD-ĐT cùng quản dẫn đến chuyện bậc TCCN nhận được rất ít đầu tư nên thí sinh gặp thiệt thòi nhiều.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra như việc tuyên truyền của các nhà trường và địa phương đi kèm với cải thiện chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, ông Vinh thừa nhận giải pháp đưa ra vẫn là “vấn đề nan giải”.

Hiện các trường, doanh nghiệp đã tích cực làm công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao công tác phân luồng vẫn dựa vào ý chí và sự quyết tâm của các ban ngành kết hợp với chiến lược phát triển dạy nghề của Chính phủ” – ông Vinh nhấn mạnh.

Văn Chung