- Chưa thể tổ chức để công dân Việt Nam ở nước ngoài thực hiện quyền bầu cử vì nhiều lý do, chủ yếu do điều kiện kỹ thuật.
Chiều 23/9, UBTVQH họp bàn về dự án luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND).
Nhiều ý kiến trong UB Pháp luật nhất trí với tờ trình của Chính phủ về việc chưa thể tổ chức để công dân Việt Nam ở nước ngoài thực hiện quyền bầu cử ở nước ngoài vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là do các điều kiện kỹ thuật chưa thể bảo đảm thuận tiện cho công tác đăng ký công dân, xác định đơn vị bầu cử, tổ chức chuyển phiếu bầu cử và bỏ phiếu đồng thời với cuộc bầu cử ở trong nước.
"Tuy nhiên, đây là các vấn đề cần được tiếp tục tổng kết, nghiên cứu để có thể sớm có cơ chế thích hợp nhằm bảo đảm quyền bầu cử của một bộ phận công dân đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân và tăng cường mối liên hệ gắn bó với quê hương, đất nước" - báo cáo thẩm tra của UB nêu.
'Nhìn đã thấy quân xanh - quân đỏ'
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tha thiết góp ý về các quy định đảm bảo bình đẳng giới trong bầu cử. Để đảm bảo các ứng viên mới khi bước vào bầu cử phấn khởi, chứ không phải khi vừa bước vào lại có tư thế không tốt vì những phân bổ.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nói mạnh mẽ hơn, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phàn nàn dự luật không có điều khoản quy định nào lồng ghép yếu tố bình đẳng giới trong bầu cử. Kinh nghiệm của các nước là luật quy định rõ tỉ lệ thành phần giới tham gia bầu cử. Trong khi ở ta, bầu cử nhưng nhìn vào danh sách được lập đã thấy cơ cấu, "nhìn vào là biết quân xanh, quân đỏ". Dẫn chứng một số thống kê, bà Ngân lo sợ tỉ lệ nữ giới tham gia vào bầu cử sụt giảm. Như tỉ lệ ĐBQH nữ khóa 11 thấp hơn khóa 10, khóa 12 thấp hơn khóa 11, khóa 11 chỉ có 25%, đến khóa 12 chỉ còn 24%.
Bà kiến nghị luật này cần có một điều khoản cứng quy định từ khâu hiệp thương tới lập danh sách bầu cử theo hướng mỗi giới không cao quá 65%, không thấp quá 35% để đảm bảo sự bình đẳng.
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc đồng tình cần có quy định rõ nguyên tắc giới thiệu phân bổ người ứng cử. Ông Hạnh phản ánh tình trạng có cơ quan 2 người ra ứng cử, cả thủ trưởng và cấp phó ứng cử trúng cả hai. Trong khi chỗ khác thiếu.
"Có danh sách ứng cử chênh lệch nhau cơ bản, cử tri nói ta nhiều, chênh lệch quá xa, một ông GS và một cô trung cấp chênh nhau quá. So với ông nam trình độ to tướng, nữ trung cấp thì sao trúng được. Điều này có phần do chủ quan địa phương. Do đó chúng ta nên đưa vào luật để thực hiện" - ông Hạnh Phúc phát biểu.
Bà Trương Thị Mai ủng hộ hai hình thức vận động bầu cử là người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do UB MTTQ các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử tổ chức và vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, bà phản ánh việc vận động qua phương tiện thông tin đại chúng có sự không đồng đều, công bằng. Như ứng viên của Đoàn thanh niên có báo của thành đoàn ủng hộ, ứng viên phụ nữ có báo phụ nữ ủng hộ khiến có người xuất hiện nhiều, có người xuất hiện ít. Theo bà phải có quy định đảm bảo hạn chế bớt việc một số ứng viên rơi vào yếu thế khi không có cơ quan hỗ trợ.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, có thể quy định cứng luôn trong luật là mỗi ứng viên ĐBQH có 1-2 bài trên báo địa phương.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lại không đồng tình về hai hình thức vận động bầu cử. Theo bà, mỗi ứng viên có thể tranh thủ nhiều kênh khác nhau để vận động cử tri ủng hộ. Bà cũng phản ánh quy định nguyên tắc xác định người trúng cử như dự thảo luật tạo nhận thức về sự thiếu bình đẳng như nếu người có số phiếu bằng nhau thì chọn người nhiều tuổi hơn.
"Tại sao không phải căn cứ chọn người có sáng tạo, sáng kiến, dù họ trẻ, có thể các đồng chí có lý khi dự thảo quy định, nhưng nếu đưa trần trụi thế ra QH họ sẽ thắc mắc. Mình đang muốn trẻ hóa thì quy định thế có công bằng hơn?" - Phó Chủ tịch nước băn khoăn.
Linh Thư