Thông tư mới của Bộ Y tế về việc quy định thống nhất giá khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc vẫn chưa nhận được sự thống nhất cao từ BHXH Việt Nam.
Giảm giá nhiều dịch vụ kỹ thuật
Ngày 30/5/ 2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT thay thế Thông tư liên tịch số 37 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ y tế. Theo đó, Thông tư lần này tập trung điều chỉnh giá tiền khám bệnh, tiền giường và 42 dịch vụ kỹ thuật, trên 1.600 dịch vụ của Thông tư 37 vẫn giữ nguyên.
Trong đó, tiền khám bệnh sẽ giảm từ 4.800 đến 5.900 đồng ở các hạng bệnh viện. Tiền giường bệnh điều chỉnh tăng 8 loại (tăng cao nhất là 11%), một số loại giường giữ nguyên hoặc có điều chỉnh giảm không đáng kể.
Đáng chú ý là một số dịch vụ kỹ thuật giảm lớn như phẫu thuật cắt Amidan bằng dao điện giảm từ 3,6 triệu xuống còn 2 triệu đồng, Phẫu thuật tạo thông động tĩnh mạch AVF giảm từ 7,2 triệu xuống còn 3,6 triệu đồng, xét nghiệm Mycobacterium tuberculosis định danh và kháng RMP Xpert giảm đến 6 lần, nội soi Tai mũi họng giảm hơn 2 lần.
Vẫn tiền giường cao hơn tiền thuốc
Qua hơn hai năm thực hiện giá dịch vụ y tế kết cấu đủ tiền lương và phụ cấp nhân viên y tế, tổng chi tiền giường năm 2017 gấp gần hai lần so với năm 2016, gấp gần 4 lần năm 2015.
Tại nhiều bệnh viện, tiền giường chiếm đến 70% tổng chi, gấp 2 đến 3 lần so với tiền thuốc; Nhiều tỉnh chi bình quân tiền giường cao hơn tiền thuốc (Cao Bằng gấp 1,67; Bắc Cạn 1,59; Tuyên Quang 1,49; Bắc Giang 1,6; Thái Bình 1,61; Hà Nam 1,87, Nam Định 1,81; Quảng Ngãi, Kon Tum, Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng gấp >2 lần).
Nhiều bệnh nhân mắc các bệnh trước đây chỉ khám, cấp thuốc điều trị tại nhà như cảm cúm, viêm mũi họng, sâu răng lại được chỉ định nằm viện; nhiều bệnh viện giữ người bệnh đẻ thường, phẫu thuật đục thủy tinh thể đơn thuần từ 5-7 ngày, thậm chí trên 10 ngày, giữ bệnh nhân ngày thứ 7, Chủ nhật để thu thêm tiền giường.
Ngày điều trị bình quân toàn quốc là 9,12 ngày nhưng tại Hà Giang là 20,87 ngày; Phú Thọ 19,45 ngày; Vĩnh Phúc và Thanh Hóa 17 - 18 ngày, Sơn La, Quảng Ninh, Quảng Bình 15 -16 ngày.
Theo báo cáo mới đây của BHXH Việt Nam, nhiều bệnh viện kê them gấp 2 đến 3 lần số giường kế hoạch, có nơi tận dụng hành lang, gầm cầu thang làm buồng bệnh.
Tại Bắc Ninh trong 14 bệnh viện khảo sát chỉ có 02 bệnh viện chuyên khoa hạng 3 đạt được tỷ lệ nhân lực bằng định mức; 12 bệnh viện đa khoa còn lại chỉ đạt từ 0,41-0,85 nhân viên y tế/giường bệnh. Tại Hưng Yên các bệnh viện chỉ đạt 60% đến 70% định mức quy định.
Trong báo cáo của BHXH VN ngày 1/9/2017 về một số vấn đề bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT ở Việt Nam cũng nêu rõ, giá dịch vụ y tế (DVYT) mới được xây dựng theo cơ chế tính toán từ dưới lên, mà số liệu lại chủ yếu từ các bệnh viện tuyến trung ương dẫn đến nhiều giá DVYT không hợp lý.
Cụ thể, hiện tại Bộ Y tế mới chỉ quy định được giá cho 1.990 dịch vụ và phiên tương đương giá cho 9.291 dịch vụ từ giá của 1.990 dịch vụ có giá trong Thông tư số 37. Các dịch vụ được phiên tương đương chỉ dựa vào cơ cấu giá do một số bệnh viện trung ương cung cấp, nhiều dịch vụ không có quy trình kỹ thuật dẫn đến chênh lệch rất lớn so với thực tế.
Phương thức thanh toán theo dịch vụ không có các cơ chế kiểm soát cộng với các tác động của thông tuyến dẫn đến tình trạng chỉ định rộng rãi các dịch vụ kỹ thuật, tăng chỉ định vào điều trị nội trú, kéo dài ngày điều trị dẫn đến tăng chi KCB quá mức cần thiết.
70% dịch vụ y tế được xây dựng chưa có quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật (KTKT); định mức KT-KT chưa được khảo sát đầy đủ theo các tuyến y tế, mà chỉ dựa trên báo cáo của một số bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt tuyến trung ương, tuyến tỉnh dẫn tới tình trạng nhiều dịch vụ có chi phí thực tế thấp hơn nhiều so với định mức KT-KT.
Chưa có tiêu chí rõ ràng để phân loại phẫu thuật, thủ thuật làm căn cứ xây dựng phụ cấp đặc thù và lương của nhân viên y tế dẫn đến tình trạng cùng một dịch vụ được phân loại rất khác nhau giữa các chuyên khoa và trong cùng một chuyên khoa, có dịch vụ vừa phân loại phẫu thuật vừa phân loại thủ thuật, nhiều dịch vụ giá rất cao, đặc biệt là các dịch vụ phục hồi chức năng, y học cổ truyền; nhân lực y tế thực tế không đủ so với định mức;
Quy trình kỹ thuật không rõ ràng nên một dịch vụ được chia nhỏ, thanh toán giá theo nhiều kỹ thuật. Ví dụ phẫu thuật Tim bẩm sinh trươc 1/3/2016 giá 6 triệu đồng, khi áp dụng giá phiên tương đương tính thành nhiều phẫu thuật: vá thông liên thất, ghép van tim, sửa van, chi phí gấp 5-10 lần.
Quy định tính thêm 1 ngày điều trị (ngày làm thủ tục ra viện) làm tăng thêm chi giường bệnh năm 2017 dự kiến lên đến 2.000 tỉ đồng.
Ngày 31/5/2018, BHXH VN cũng có công văn gửi Bộ Y tế góp ý với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 37.
Theo đó, về nguyên tắc áp dụng giá KCB, BHXH VN đề nghị bổ sung nội dung, giá khám bệnh đối với các trường hợp đăng ký ban đầu tại bệnh viện hạng 1 được thanh toán theo mức giá khám bệnh của bệnh viện hạng II vì mức độ, cơ cấu bệnh tật của các đối tượng đăng ký ban đầu là tương đương, đồng thời giải pháp này sẽ không khuyến khích các bệnh viện hạng I nhận đăng ký KCB ban đầu.
Giá ngày giường bệnh được áp dụng theo từng hạng bệnh viện theo quy định của Luật BHYT và giữ nguyên kết cấu như Thông tư số 37.
Phong Điệp