- Dù đồng tình hay phản đối việc đưa "trọng dụng nhân tài" vào Hiến pháp, nhiều độc giả nhân đề xuất của ĐBQH Lê Thanh Vân để phàn nàn tình trạng cơ quan chưa trọng dụng hậu đãi nhân tài mà chỉ trọng dụng vây cánh.


"Phải có hành lang pháp lý"

Độc giả ở địa chỉ hyvong9947@... chia sẻ, ông vốn là một nhà khoa học được nhà nước gửi đi đào tạo ở nước ngoài ngay trong chiến tranh chống Mỹ, rồi sau đó còn được bồi dưỡng nhiều năm ở nhiều trường ĐH danh tiếng.

Nhưng trong suốt thời gian công tác sau đó ông chỉ được làm việc như một nhân viên bình thường, do vậy, chỉ có thể phát huy được một phần năng lực rất nhỏ.

"Nhiều sáng kiến khoa học không được lắng nghe, không được tạo điều kiện để thử nghiệm. Đề tài nghiên cứu chỉ dành cho những người biết quan hệ, có "cửa" và biết đi đêm mà thôi. Một người làm khoa học chân chính với lòng tự trong cao không thể đi cửa sau", bạn đọc hyvong9947@... cho hay.

Thi tuyển công khai, minh bạch sẽ tìm được người tài. Ảnh minh họa: Thí sinh thi tuyển vào Bộ Nội vụ ngày 6/1 vừa qua. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tự nhận "nhìn thấy hình ảnh chính mình trong phân tích của ĐBQH Lê Thanh Vân", bạn đọc leecaichun@...  kể, ở cơ quan, các sếp đều công nhận bạn là một chuyên viên tham mưu giỏi, có nhiều ý tưởng. Song, ngồi ở ghế chuyên viên đến 20 năm nay rồi mà chưa bao giờ bạn có tên trong danh sách quy hoạch các chức danh lãnh đạo.

"Những người đi sau thì lên vù vù, thậm chí ngay cả khi họ không hiểu được vấn đề tham mưu là như thế nào, cứ đợi lãnh đạo chỉ đạo ra sao thì làm theo chứ không hề có chính kiến", độc giả này viết.

Theo bạn, rất cần phải có luật Trọng dụng nhân tài (chí ít là áp dụng cho cơ quan nhà nước). Tuy nhiên, nên cân nhắc kỹ câu chuyện ai sẽ đề cử nhân tài bởi sẽ không có vị lãnh đạo nào lại công nhận cấp dưới tài giỏi hơn mình.

Bạn Phạm Đức Nghĩa (nghiacntp@...) bi quan, người tài luôn được dùng để xử lý những việc gai góc. Còn thành phần thuộc vây cánh họ hàng được ngồi những chỗ ngon ăn, đó là xu thế bây giờ.

Rất nhiều độc giả tán thành đề xuất phải đưa vào Hiến pháp khái niệm trọng dụng nhân tài để tạo nền tảng xây dựng một dự án luật.

Bạn Quang Hà (ha1979@...) mong luật Trọng dụng nhân tài nên sớm được các cơ quan như Ban Tổ chức TƯ, Bộ Nội vụ xúc tiến làm ngay. "Nếu cứ hô hào trải thảm đỏ, hô hào chiêu hiền đãi sĩ mà kẻ sĩ về làm việc thì bị o bế, kèn cựa, thì thử hỏi người tài nào có sân chơi mà thi thố. Người đứng đầu có thể không cần giỏi, nhưng phải biết dùng người giỏi", bạn Quang Hà viết.

Độc giả Trần Nguyên Việt (trannguyenviet55@...) góp ý, từ xưa hiền tài đã được khẳng định là nguyên khí quốc gia, ai phát hiện, tiến cử người tài đều được thưởng hậu.

"Riêng ở nước ta, người tài giỏi hầu hết được nước ngoài sử dụng. Còn ta chỉ hô hào suông, thậm chí "nguyên khí" đó bị các nhóm lợi ích "cuốc ra" khỏi chỗ mà họ xứng đáng hơn ai hết được làm việc và phát huy tài năng của mình. Tôi hoan nghênh việc đề xuất đưa vấn đề này vào Hiến pháp", bạn Việt nói.

"Để trọng dụng người tài thì lãnh đạo không những phải giỏi về chuyên môn ở một mức nhất định so với cương vị , mà còn phải có uy tín. Bằng không, họ sẽ vô hiệu hóa mọi sáng kiến của người tài. Hiến pháp nhất định phải có hành lang pháp lý đủ tầm thì mới tạo cơ chế trọng dụng nhân tài. Do vậy, các chức danh lãnh đạo cần phải qua thi tuyển, công khai minh bạch tất yếu sẽ tìm được người tài tương xứng", theo ý kiến của bạn Công Hưng.

Đưa lên diễn đàn

Song song với những quan điểm tán thành việc đưa khái niệm "trọng dụng nhân tài" vào Hiến pháp, một số độc giả khác lại cho rằng chỉ cần thay đổi nhận thức.

Nói như độc giả Hoàng Lân Vũ (lankbnn@...), " nếu cái gì cũng đưa vào Hiến pháp thì Hiến pháp sẽ biến thành cái gì? Trọng dụng nhân tài là thái độ của con người đối với tài năng. Nhận xét một người có tài năng hay không phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của người đánh giá. Việc này không nên đưa vào Hiến pháp".

Bạn Hoa Thu Ca (vpttcp@...) phân tích rõ hơn, chỉ cần đưa cơ chế ứng tuyển minh bạch, lương bổng rõ ràng, yêu cầu bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho chức năng nhiệm vụ được tuyển là được.

Đồng quan điểm này, bạn NTK (ntkykien@...) viết, chỉ cần minh bạch tất cả thì tự nó sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, không cần đưa nhiều vào làm Hiến pháp rối rắm vì các từ khẩu hiệu và hô hào suông.

Ở góc độ bi quan hơn, bạn Linh Chi (linhchi@...) cho rằng, không có Hiến pháp, quy định hay quy chế nào có thể thay đổi được cách dùng người tài khi mà cơ quan công quyền, cơ quan nhà nước vẫn coi pháp luật là của mình do mình làm ra.

Theo nhiều độc giả, vấn đề không chỉ nằm ở khung pháp lý, ở luật lệ mà nằm ở văn hóa và hệ thống giám sát. Nói như bạn Võ Văn Châu (chautckhbienhoa@...), đề xuất của ĐBQH Lê Thanh Vân rất đúng. Nhưng sẽ chưa thể giải quyết vấn đề được ngay bởi liên quan tất cả các lĩnh vực.

"Nên rất cần đưa vấn đề này lên diễn đàn toàn xã hội để nhiều người góp ý về sử dụng sao cho hiệu quả "nguyên khí quốc gia ", độc giả Võ Văn Châu đề xuất.

  • Ngọc Lê