- Ban chỉ đạo TƯ phòng chống tham nhũng cho rằng hiện tượng "chạy chức", "chạy quyền", "chạy tội" chưa được quan tâm chỉ đạo làm rõ, tình trạng tham nhũng thông qua "lợi ích nhóm" chưa được xử lý đúng mức.

Ban Bí thư Trung ương Đảng hôm nay (30/11) tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng.

Vẫn bức xúc

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh tới vai trò của Nghị quyết Trung ương 3 "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Ban chấp hành Trung ương thể hiện quyết tâm chính trị, đề ra mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

c
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng. Ảnh: TTXVN

Báo cáo tổng kết của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống, tham nhũng đã tổng kết 8 đề mục lớn với những nội dung kết quả đạt được liên quan tới công tác hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, tăng cường công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, giám sát chống tham nhũng...

Đánh giá tổng quát, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực trên cả nhận thức và hành động, đạt được kết quả nhất định trong phòng ngừa và xử lý tham nhũng. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã được kiềm chế.

Khẳng định "chống tham nhũng là khả thi" nhưng Phó Thủ tướng cho rằng công tác phòng, chống thời gian qua vẫn "chưa tạo được chuyển biến có tính cơ bản".

"Hiện nay tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp. Tham nhũng chưa được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi... như mục tiêu Nghị quyết Trung ương 3 đã đề ra, tệ tham nhũng vẫn là vấn đề bức xúc, mối quan tâm lớn của toàn xã hội", ông Trọng nói.

Ngày càng tinh vi

Bình quân mỗi năm có 330 vụ án tham nhũng bị khởi tố. 9 tháng đầu năm nay, đã khởi tố 188 vụ án với 373 bị can (giảm 23% số vụ so với cùng kỳ năm trước).

Bên cạnh các kết quả đạt được, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống, tham nhũng nêu rõ: "Giữa quyết tâm chính trị với hành động thực tiễn trong công tác phòng chống tham nhũng còn khoảng cách đáng kể... Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất hạn chế, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra...".

Bên cạnh đó, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng còn hạn chế. Một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp xử lý chậm, kéo dài, có biểu hiện hữu khuynh, nể nang, lạm dụng việc bồi thường, khắc phục hậu quả để xử lý hành chính.

Báo cáo cũng nhấn mạnh hiện tượng "chạy chức", "chạy quyền", "chạy tội" chưa được quan tâm chỉ đạo làm rõ, tình trạng tham nhũng "vặt", tham nhũng thông qua "lợi ích nhóm" chưa được quan tâm và xử lý đúng mức, sự yếu kém trong quản lý dẫn đến các sai phạm, gây thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước trong một số doanh nghiệp, trong đó có yếu tố vụ lợi... gây bức xúc, bất bình trong xã hội.

Do hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên phạm vi rộng ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đối tượng là những người có chức vụ, quyền hạn, một số người có nhiều công lao, thành tích và cống hiến, nên việc phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn.

Coi tội phạm tham nhũng là một loại tội phạm "tinh vi, phức tạp và nguy hiểm", báo cáo tổng kết chỉ ra các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế.

Trong đó nhấn mạnh "quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng chưa thực sự trở thành hành động tự giác của tất cả các ngành, các cấp, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là nguồn lực con người và sự quan tâm dành cho công tác phòng, chống tham nhũng chưa tương xứng và đáp ứng yêu cầu".

Cứng rắn hơn

2.494 đảng viên, cấp ủy viên tại các đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ qua bị thi hành kỷ luật do liên quan đến tham nhũng, lãng phí - Số liệu tổng kết của 63 tỉnh, thành ủy.

Nhiệm vụ quan trọng được Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh là phải kiên quyết chống tham nhũng. 

Ông cho rằng phải chọn đúng việc trọng tâm, then chốt ngay trong năm 2011 để tạo kết quả chuyển biến rõ nét. Qua đó, củng cố lòng tin của nhân dân đối với quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Ban chỉ đạo Trung ương cũng nhấn mạnh việc "mạnh dạn đưa ra những giải pháp kiên quyết, mạnh mẽ, cứng rắn hơn" trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới. Đặc biệt xác định "chế tài để xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu, người có thẩm quyền không thực hiện hoặc thực hiện kém hiệu quả các chủ trương, chính sách và giải pháp phòng chống tham nhũng, nói đi đôi với làm, hành động mang tính quyết định".

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 5 năm tới, Ban chỉ đạo đã nêu 10 nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó sẽ sớm xây dựng đề án thành lập cơ quan giám định quốc gia để phục vụ công tác điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Trong các kiến nghị với Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống, tham nhũng cho rằng cần có đường lối xử lý đối với các vụ án tham nhũng để khắc phục tình trạng bị cáo phạm tội được hưởng án treo chiếm tỷ lệ cao và nhiều phạm nhân được đặc xá sớm như hiện nay.

Theo đánh giá, việc áp dụng hình phạt cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ cao là chưa quán triệt đầy đủ tính nghiêm trọng và nguy hại của tội phạm tham nhũng.

L.Thư