Cổ phiếu ồ ạt bứt phá
Đóng cửa phiên giao dịch 10/5, thị trường chứng khoán ghi nhận hàng loạt cổ phiếu blue-chips tăng mạnh, qua đó giúp chỉ số VN-Index tăng tới gần 18 điểm lên ngưỡng 1.260 điểm.
Chứng khoán bứt phá mạnh bất chấp dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp với cả trăm cả nhiễm mỗi ngày. Nhiều ca nhiễm trong cộng đồng và diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước.
Thị trường ghi nhận sức bật đáng ngạc nhiên của nhiều cổ phiếu chủ chốt. Dòng tiền đổ vào ào khiến cổ phiếu Vinamilk (VNM) của bà Mai Kiều Liên, Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và TPBank (TPB) của đại gia Đỗ Minh Phú tăng trần mạnh trong buổi chiều, đẩy VN-Index tăng vọt gần 18 điểm.
Cú bứt phá mạnh bất ngờ của 2 cổ phiếu ngành tiêu dùng và một cổ phiếu ngân hàng đã tạo ra sự đảo chiều ngoạn mục. Các nhà đầu tư mạnh tay rót tiền sau phiên nghỉ buổi trưa, qua đó giúp hàng loạt cổ phiếu tăng tốc.
Dòng tiền tiếp tục lựa chọn thị trường chứng khoán trong bối cảnh thị trường vàng trong nước giá có tăng nhưng giao dịch ảm đạm; đồng USD biến động không nhiều và thị trường chứng khoán có dấu hiệu hạ nhiệt trên diện rộng.
Dịch bệnh khiến nhiều người đặt cược vào thị trường cổ phiếu khi mà nhiều doanh nghiệp lớn trên thị trường, ở nhiều lĩnh vực, ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đột phá trong quý I và được dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh trong cả năm 2021. Những doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng, ngành ngân hàng, chứng khoán, tiêu dùng… đều được dự báo sẽ có kết quả tốt.
Dòng tiền vẫn ồ ạt đổ vào chứng khoán. |
Trong phiên giao dịch 10/5, nhiều cổ phiếu trụ cột đóng cửa tăng giá, trái với sự suy giảm đầu phiên. Cổ phiếu Ngân hàng Vietcombank (VCB) tăng 1.100 đồng lên 98.100 đồng/cp; VPBank (VPB) tăng 800 đồng lên 62.300 đồng/cp; VietinBank (CTG) tăng 1.000 đồng/cp lên 44.800 đồng/cp; MBBank (MBB) tăng 1.600 đồng lên 33.200 đồng/cp; Techcombank (TCB) tăng 1.050 đồng lên 48.100 đồng/cp…
Trong mảng tài chính, Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tăng 2.000 đồng lên 34.700 đồng/cp; Bảo Việt (BVH) tăng 1.900 đồng lên 56.100 đồng/cp…
Cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long tiếp tục lập đỉnh cao mới với việc tăng thêm 2.200 đồng lên 63.000 đồng/cp. Với mức giá này, vốn hóa của Hòa Phát đã vượt ngưỡng 200 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 8,6 tỷ USD). Ông Trần Đình Long có khối tài sản được Forbes tính toán đạt 3,1 tỷ USD.
Nhóm bộ 3 cổ phiếu VIC, VHM và VRE của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng bất ngờ nghi nhận một phiên tăng giá.
Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng giá trong bối cảnh các doanh nghiệp lớn trên sàn dồn dập báo lãi chưa từng có giữa thời đại dịch. Hàng loạt doanh nghiệp lớn báo lãi tăng đột biến trong quý I và triển vọng tích cực cho cả năm nhờ sức cầu hồi phục mạnh, trong khi giá bán hàng hóa tăng cao.
Nhóm “bank” dẫn dắt, thị trường được dự báo bứt phá
Thị trường được dự báo có thể còn đi lên tiếp và lập đỉnh cao mới, có thể lên tới 1.300-1.500 điểm ngay trong năm nay nhờ nhiều dòng cổ phiếu bứt phá, trong đó có nhóm cổ phiếu ngân hàng – nhóm cổ phiếu vua một thời.
Trong quý I vừa qua, hàng loạt tổ chức tín dụng báo cáo lợi nhuận tăng vọt. MBBank (MBB) ghi nhận lợi nhuận hợp nhất đạt trên 4.570 tỷ đồng, cao gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ 2020. Vietcombank ước lãi quý I đạt 7.000 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ...
Trong những phiên giao dịch gần đây, theo FIDT, thông tin về dịch Covid-19 tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư nhưng nhóm bank vững chãi với vai trò trụ cột nâng đỡ thị trường. Sức mạnh này đến từ nhiều yếu tố.
Đầu tiên, đó là sức mạnh từ nội tại. Ngành ngân hàng đang có những chuyển biến rất tốt về nội tại khi cho thấy nhiều số liệu tích cực. Tổng thể nhóm bank hiện có vốn hoá lớn nhất thị trường với tính toán sơ bộ chiếm khoảng 30% market cap. Mức định giá trung bình của ngành hiện khoảng 1.8x. Những Ngân hàng chiếm CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cao nhất trong nhóm như Techcombank, MBB, Vietcombank,..đều có mức CASA 30% trở lên.
Nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh bất chấp đại dịch. |
Ngoài ra, lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) trung bình của ngành hiện khoảng 1,2%; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cải thiện đáng kể ở khoảng 14%, NIM trung bình khoảng 0,9%, các độ bao phủ nợ xấu, tăng trưởng lợi nhuận trước dự phòng tín dụng đều có mức tăng trưởng rất tốt.
Về thanh khoản, gần đây những ngân hàng trụ đều có giao dịch trung bình 15-20 triệu cổ phiếu/phiên – đứng số 1 của thị trường.
Nhóm bank ghi nhận mức tăng trưởng tương đồng với nhiều nhóm ngành vượt trồi như vật liệu hay bất động sản, với mức tăng 50% - 100% hoặc thậm chí 200% lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, sức mạnh cộng hưởng nhờ giai đoạn xử lý nợ xấu đã qua đi.
Nhóm ngân hàng cũng hưởng lợi trực tiếp từ sự tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh trạng thái “bình thường mới” của đại dịch, nhu cầu tín dụng tăng cao.
Thị trường chứng khoán tăng mạnh trở lại giữa đại dịch một phần không nhỏ là nhờ sức mạnh từ sự thu hút nhà đầu tư mới tham gia thị trường (F0) và các nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò then chốt. Các NĐT cá nhân đã cân đối, hấp thụ tất cả lực chốt lời từ ngoại khối, nội khối nhất là tổ chức tự doanh,...và thị trường duy trì thanh khoản ở mức 800 triệu - 1 tỷ USD/ngày.
Theo Mirae Asset, chỉ số VN-Index có thể lên gần 1.500 điểm. Theo đó, các doanh nghiệp niêm yết đã báo cáo mức tăng trưởng ấn tượng trong quý I so với cùng kỳ, với mức EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) trên sàn HOSE tăng gần 95% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, theo thống kê của Bloomberg về mức tăng trưởng EPS theo kỳ vọng của thị trường cũng đã được tăng lên đáng kể từ mức 21% vào đầu tháng 2 lên mức 28,2% vào cuối tháng 4.
Hiện tại, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 18 lần, cao hơn mức trung bình 10 năm lịch sử 26% nhưng vẫn còn dư địa tăng tiếp. Bên cạnh đó, mức định giá sẽ giảm với triển vọng tăng trưởng EPS lạc quan.
Gần đây, HSBC vừa đưa ra nhận định cho rằng, các NĐT nước ngoài không thể bỏ qua câu chuyện tăng trưởng hấp dẫn của Việt Nam lâu hơn nữa. Quy mô của chứng khoán Việt Nam tăng mạnh, giao dịch tăng vọt, nền kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại… là các yếu tố hỗ trợ.
Chứng khoán BSC cho rằng, VN-Index có thể hướng về ngưỡng 1.300 điểm trong tháng 5. Tình hình hồi phục kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc tiếp tục củng cố tăng trưởng của hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 4 và các tháng tới.
M. Hà