CMMi.jpg
Nhiều doanh nghiệp sản xuất phần mềm như Microsoft, Google, Red Hat… không quan tâm tới CMMi. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

>> Đã có 12 doanh nghiệp đạt chuẩn CMMI / Mục tiêu 100 doanh nghiệp đạt CMMI

Lợi thì có lợi…

Theo quan điểm của Bộ TT&TT, việc sở hữu chứng chỉ như CMMi sẽ giúp doanh nghiệp phần mềm và nội dung số chuẩn hóa quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh... Nhiều doanh nghiệp đạt chứng chỉ CMMi sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam và tạo thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực CNTT trên thị trường quốc tế.

Với mong muốn ngày càng nhiều doanh nghiệp phần mềm có chứng chỉ CMMi  – một loại “giấy thông hành” để bước vào thị trường phần mềm thế giới, từ năm 2010, Bộ T&TT đã triển khai Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMi” với tổng mức đầu tư khoảng 60 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Mỗi doanh nghiệp khi tham gia dự án, ngoài việc tham dự các khóa đào tạo về CMMi, còn được hỗ trợ tối đa khoảng 25.000 USD, trong đó 15.000USD là dành cho tư vấn xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMI tại doanh nghiệp và 10.000 USD cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ CMMi (doanh nghiệp cũng có thể đăng ký để nhận một trong hai loại hỗ trợ này). Sơ kết giai đoạn 2010 - 2012, đã có 14 công ty đạt chứng chỉ CMMI mức 3 (level 3) và 1 công ty đạt chứng chỉ CMMI level 5 (Công ty TMA Solution).

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì dường như mới có doanh nghiệp lớn được lợi từ dự án trên của Bộ TT&TT. Bởi 25.000 USD cũng chỉ tương đương với khoảng ½ tổng chi phí mà doanh nghiệp cần phải bỏ ra để có được một chứng chỉ CMMi. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có khả năng đầu tư thêm phần chi phí còn lại, trong khi phần lớn doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đều đang thuộc dạng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

…nhưng đừng làm khó doanh nghiệp nhỏ

Gần đây, câu chuyện CMMi “nóng” lên với nhiều ý kiến phản biện khi Bộ TT&TT công bố dự thảo "Quy đinh chi tiết về đầu tư mua sắm các sản phẩm, dịch vụ CNTTdùng nguồn vốn ngân sách Nhà nước", trong đó đưa tiêu chí xác định sản phẩm phần mềm được ưu tiên đầu tư mua sắm là "sản phẩm phải được sản xuất bởi doanh nghiệp đạt một trong các chứng chỉ sau cho hoạt động sản xuất phần mềm: ISO 9001, ISO 27001, hoặc CMMI mức 3 trở lên".

Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Công ty iNet Solution nhận xét: “Đây là quy định không nên có vì nó sẽ "giết chết" doanh nghiệp CNTT nhỏ trong nước, dọn đường cho những doanh nghiệp lớn có cơ hội độc quyền và tạo ra những rào chắn (hơn cả rào cản) "giết chết" nền công nghiệp CNTT Việt Nam”.

Nhiều chuyên gia CNTT đã từng cảnh báo nếu quá coi trọng điều kiện về các chứng chỉ, sẽ có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp có nhiều chứng chỉ hơn và đạt chứng chỉ mức cao hơn (thường khá đắt tiền, không phù hợp với “túi tiền” của doanh nghiệp nhỏ) sẽ thắng hầu hết các gói thầu rồi “chia” cho các công ty nhỏ triển khai để ăn chênh lệch. Các công ty nhỏ trong trường hợp bị yêu cầu điều kiện chứng chỉ thường thì còn cách chấp nhận làm B’, B’’ cho doanh nghiệp lớn.

Nhấn mạnh riêng về CMMi, theo ông Hiền, chỉ các công ty gia công phần mềm mới cần có các chứng chỉ như CMMi để chứng minh tính chuyên nghiệp với người đặt hàng may đo (các công ty gia công không làm chủ các dòng mã (source code) mà họ đã gia công, do đó người đặt hàng cần xem tính chuyên nghiệp của công ty truóc khi thuê viết để dễ quản lý sau này cũng như phát triển, mở rộng trong tương lai). Còn các công ty sản xuất phần mềm và kinh doanh trên chính sản phẩm của mình sẽ tự tìm một quy trình chất lượng tối ưu cũng như phát triển sản phẩm ngày một tốt hơn, chi phí tối ưu hơn, không nhất thiết phải cần có chứng chỉ CMMi. Hầu hết các công ty sản xuất phầm mềm như Microsoft, RedHat, Google,.. không quan tâm về các quy trình đạt chuẩn CMMi.

Đồng tình rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn quốc tế như CMMi là cần thiết nhưng ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc Công ty CadPro lưu ý: “Còn nhiều thứ khác cần hỗ trợ để có "năng lực cạnh tranh quốc tế" hơn là CMMI. Nhà nước không nên khuyến khích doanh nghiệp "đạt các tiêu chuẩn, chứng chỉ quốc tế" mà cần hỗ trợ sao cho các doanh nghiệp có sản phẩm và dịch vụ tốt. Mọi dự án đều nên xem xét chất lượng của sản phẩm đầu ra chứ không nên đòi hỏi chứng chỉ về quy trình làm ra sản phẩm. Giống như người nghe nhạc nghe bài hát hay chứ ai đi nghe bài hát có chứng chỉ rằng tác giả đã học quy trình viết bài hát (trung, cao cấp hay học viện)?”.

CMMi (Capability Maturity Model Integration) là chuẩn quản lý quy trình chất lượng quốc tế do Viện Kỹ nghệ Phần mềm Mỹ (Software Engineering Institute - SEI) phát triển, đã được các doanh nghiệp phần mềm trên toàn cầu áp dụng. Hầu hết các công ty phát triển phần mềm nói chung đếu có quy trình riêng của mình và được mặc định đạt chuẩn CMMi mức 2 (level 2). CMMi mức 3 được xem là chuẩn trung bình. Mức cao nhất của CMMi là mức 5. Ở Việt Nam đã có một số doanh nghiệp đạt CMMi mức 5 như FPT Software, TMA, Paragon Solutions Việt Nam
 
Riêng trong năm 2012 đã có 12 doanh nghiệp đạt chứng chỉ CMMi gồm: Công ty CP Tin học Lạc Việt; Công ty CP Công nghệ phần mềm Đà Nẵng/Softech; Công ty CP Phần mềm Luvina; Công ty TNHH Tư vấn và phát triển phần mềm Larion; Công ty TNHH Pyramid Consulting Việt Nam; Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và truyền thông NEO; Công ty Cổ phần Viễn thông - Tin học Bưu điện CT-IN; Công ty Điện toán và truyền số liệu VDC; Công ty CP CNTT Run; Công ty CP Công nghệ Tâm Hợp Nhất Unitech; Công ty TNHH GHP Far East; Công ty Cổ phần Misa.