- Đã ế ẩm, chung cư cao cấp còn phải đối mặt với nhiều vụ kiện kéo dài. Chất lượng không tương xứng với số tiền tỷ bỏ ra mua căn hộ khiến nhiều người đang chán ngán.
Cao cấp cũng khổ
Một trong những khu chung cư cao cấp được báo chí phản ánh nhiều nhất thời gian gần đây là Keangnam (tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Không chỉ nổi tiếng vì phí quá cao, Keangnam còn bị nhiều khách hàng tố vì chất lượng không đúng với mác “cao cấp”.
Bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mua chung cư cao cấp rồi lại phải chịu dịch vụ kém đang trở thành nỗi băn khoăn của nhiều người. Thời điểm mới bàn giao nhà, chung cư đã xảy ra sự cố. Tại cầu thang máy số 1 của tòa nhà A, tòa nhà Keangnam Vina nước lênh láng tràn cả vào bên trong. Phía dưới tầng hầm nhà A, nước cũng chảy xuống. Ống dẫn nước của một hộ trên tầng 23 bị vỡ khiến cho nước rỉ xuống các tầng dưới, đặc biệt chảy cả vào thang máy. Sau khi nước chảy vào thang máy, thang máy đã được ngừng hoạt động để chờ sửa chữa.
Chưa hết. Sự cố mất điện, hệ thống điện dự phòng của tòa nhà đã không hoạt động đã khiến cho toàn bộ tòa nhà tối om, thậm chí cả thang máy cũng dừng không thể vận hành được. Sáu cư dân tòa nhà cao nhất Việt Nam, trong đó có hai cháu nhỏ bỗng dưng bị nhốt chặt trong thang máy.
Không chỉ có ở tòa nhà Keangnam, hàng chục hộ dân sống tại khu biệt thự The Manor - khu đô thị mới Mỹ Đình cũng bị mất nước trong vài ngày. Được biết, nguyên nhân mất nước là do sự cố nổ trạm biến áp gây mất điện diện rộng tại quận Cầu Giấy đã khiến cho việc cung cấp nguồn nước sạch tới các hộ dân bị ảnh hưởng.
Ciputra, một trong các khu đô thị được coi là cao cấp nhất Hà Nội, cũng từng bị một khách hàng khiếu nại tường mốc, nứt nẻ, gạch lát loang lổ, mất hoa văn do kém chất lượng. Theo anh Nguyễn Quang Hoài, chủ căn hộ thuộc tòa nhà E, khu đô thị mới Ciputra, căn hộ của anh đang bị xuống cấp dù chưa đưa vào sử dụng. Gia đình anh Hoài đăng ký mua căn hộ rộng 153 m2 từ năm 2005 với giá 660 USD mỗi m2 và mới nhận nhà từ tháng 9/2008. Anh cho biết, dù chưa đi vào sử dụng, tường và trần nhà vệ sinh cũng như khu ban công đều bị thấm mốc, có chỗ tróc vảy. Gạch lát trần nhà có màu sắc loang lổ, gạch ốp bếp bị mất hoa văn do kém chất lượng.
Quảng cáo là cao cấp nhưng chất lượng chung cư Golden Westlake (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) lại không hề cao. Người dân ở đây phản ánh, hệ thống nước nóng lạnh bị trục trặc. Nguyên nhân là do chủ đầu tư thiết kế hoặc thi công không tốt. Đường nước nóng nhưng lại dùng ống dẫn quá to, dẫn đến hiện tượng trên.
Nhà vệ sinh và nhà tắm, sau một thời gian sử dụng có mùi hôi do cống từ dưới bốc lên. Có những căn hộ đã bị hiện tượng này ngay từ khi mới nhận nhà. Các cánh cửa cũng được làm rất ẩu. Cửa không khít nên gió vào gây nên những tiếng kêu khiến trẻ con rất sợ, nhất là vào mua gió mùa đông bắc.
Tương tự, nhiều hộ dân tại chung cư 93 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) đã phải trả tiền thuê người cõng gas từ dưới đường lên nhà bởi ban quản lý tòa nhà không cho mang gas vào thang máy vì sợ cháy nổ. Trong khi trước đó, mỗi hộ đã nộp 12,5 triệu đồng phí xây dựng hệ thống gas trung tâm. Rồi cả khu nhà, với gần 300 hộ dân, nhưng không có chỗ nào để hội họp, sinh hoạt chung; không có khoảng không gian cho trẻ em vui chơi, người già tập thể dục nhưng BQL còn xây thêm tầng lầu để bán cho khách hàng nên cư dân đâm đơn kiện.
Tại TP.HCM, khách hàng mua nhà tại chung cư Quốc Cường Gia Lai (quận 7) cũng đã hàng “tố” chủ đầu tư về chất lượng chung cư quá tệ, vật liệu bị đánh tráo. Theo hợp đồng, phòng khách, nhà bếp, nhà vệ sinh lát đá granit; toàn bộ đồ gỗ nội thất như cửa, tủ âm tường, kệ bếp đều bằng gỗ xoan đào; bồn cầu, lavabo, bồn tắm dùng hiệu Apollo... Thế nhưng, khi nhận nhà thì phòng khách, nhà bếp đều chỉ lát gạch men, nhà vệ sinh lát gạch thô; đồ gỗ nội thất được làm từ các loại gỗ kém chất lượng; vòi nước, vòi tắm không rõ nhãn hiệu...
Đắt không xắt ra miếng
Phần lớn chủ đầu tư dự án thường quảng cáo và giới thiệu là chung cư cao cấp, song chất lượng có đúng như vậy không và cơ quan nào thẩm định, xác nhận đang là câu đố với người sử dụng. Không ít căn hộ chung cư gọi là cao cấp nhưng người mua phải chi tới hàng trăm triệu đồng để thay thế các thiết bị trong nhà, từ đèn chiếu sáng đến thiết bị vệ sinh, thậm chí cả tay nắm cửa. Sự xuống cấp của những căn hộ cao cấp đã khiến cho nhiều khổ chủ phải méo mặt vì tiền đắt nhưng không... xắt ra miếng.
Khách hàng mua nhà chung cư trên giấy đã phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” sau khi nhận được một căn hộ chung cư không đúng như những gì chủ đầu tư đã cam kết trong hợp đồng mua bán.
Lý giải nguyên nhân chất lượng chung cư cao cấp mà vẫn kém, ông Nguyễn Xuân Hoàng, đại diện công ty xây dựng cho rằng, chưa có quy định rõ ràng thế nào là chung cư cao cấp và thấp cấp nên có sự nhập nhèm của không ít chủ đầu tư. “Có thể từ lúc thiết kế chưa đạt tiêu chuẩn, hoặc là chất lượng thi công không tốt, vật liệu kém khiến cho chất lượng công trình kém. Trong khi đó việc nghiệm thu sản phẩm làm qua loa, không đúng theo quy định”, ông Hoàng cho hay.
Ông Hoàng khuyến cáo, người mua nhà cần đọc kỹ những điều khoản trong hợp đồng về thông tin căn hộ, chất lượng vật liệu đi kèm để kiểm tra trước khi nhận nhà. Những thông tin này sẽ giúp người dân giám sát và bảo vệ tài sản của mình. Sau này khi có sự cố xảy ra, người dân có thể tìm chủ đầu tư buộc họ phải khắc phục, sửa chữa.
Duy Anh