Có dấu hiệu các chủ đầu tư, giới đầu cơ nhà đất đang mượn cớ giá vật liệu xây
dựng, nhân công, sắt thép… đang leo thang để tăng giá bán căn hộ.
Trong
khi thị trường nhà đất ở Hà Nội và TPHCM nhìn chung đang trầm lắng thì nhà chung
cư loại trung bình ở nhiều dự án tại Hà Nội lại bất ngờ tăng giá một cách bất
thường.
Chóng mặt với căn hộ mini
Trái ngược với thời điểm
quý IV/2010, từ sau Tết Tân Mão trở lại đây, giá chung cư ở Hà Nội bất ngờ tăng
vọt và tập trung vào loại chung cư giá thấp (chung cư mini, còn gọi là chung cư
tư nhân), chung cư có giá trung bình trên 20 triệu đến 30 triệu đồng/m2. Giá
tăng cao nhưng các giao dịch mua bán nhà chung cư loại này lại cũng tăng rất
mạnh, kể cả những dự án vừa xong phần móng, tức là khoảng 2-3 năm sau mới giao
nhà.
Chung cư tại Hà Nội tăng giá một cách bất thường. |
Trong khi loại chung cư cao cấp có giá hơn 40 triệu đồng/m2 trở lên lại đứng
giá và giao dịch ít. Đỉnh điểm nhất của đợt tăng giá đột biến này là khu đô thị
Linh Đàm (Hoàng Mai) với căn hộ 65 m2 được mua tới 37 triệu đồng/m2. Trong khi
thời điểm trước Tết một tháng giá dưới 30 triệu đồng/m2. Tại khu Xa La (Hà
Đông), giá cũng ngót nghét 2 – 2,2 tỉ đồng/căn 100 m2, tăng gần gấp đôi so với
thời điểm năm 2010.
Đặc biệt, hàng loạt
chung cư mini đang thi nhau “mọc” lên tại Hà Nội nhưng giá lại tăng chóng mặt kể
từ thời điểm giáp Tết Nguyên đán đến nay. Từ mức giá gốc 450-700-900 triệu đồng
căn tùy diện tích (25-40-60 m2) đã nhảy vọt lên 700-900 triệu đồng và 1,5 tỉ
đồng/căn, với giá trung bình 25 triệu đồng/m2.
Trước sự tăng giá bất thường này, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty Thương
mại – Dịch vụ và Bất động sản Ba Đình, cho rằng trong thời điểm hiện tại thì
việc giá nhà chung cư tăng mạnh như vậy là rất khó hiểu vì nhu cầu thực không có
đột biến. “Sự nhảy giá càng khó hiểu hơn khi TP Hà Nội vừa công bố sẽ nhận đơn
mua 3.000 căn hộ thu nhập thấp của người dân, với giá trung bình chỉ khoảng
11-12 triệu đồng/m2” – ông Dũng nhận định.
Coi chừng dính
bẫy?
Qua tìm hiểu tại các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn Hà
Nội cho thấy lượng hàng mới tung ra chưa nhiều nhưng lượng hàng cũ vẫn còn rất
lớn và giá đã đẩy lên chót vót ở mức cao và việc tìm một căn hộ giá thấp như
cách đây vài tháng là điều không thể. Theo nhiều dân môi giới nhà đất, việc giá
bị đẩy lên cao chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố tâm lý của người dân khi thấy giá cả
leo thang, trong đó có thể nhóm vật liệu xây dựng cũng tăng tốc theo sẽ đẩy giá
thành căn hộ chung cư tăng giá nên “ôm” vào.
Tuy nhiên, không ít chủ đầu
tư đã rục rịch tăng giá sản phẩm vì vin vào lý do mọi thứ đều tăng giá. Cũng
theo phân tích của giới kinh doanh bất động sản, việc thị trường chứng khoán
đang trong giai đoạn trầm lắng, việc điều chỉnh tỉ giá và đầu tư vào vàng, USD
bị hạn chế bởi chính sách thắt chặt tiền tệ của Nhà nước cũng tạo ra làn sóng
đầu tư vào bất động sản bắt đầu có dấu hiệu trở lại.
Theo nhận định từ Bộ
Xây dựng, giá nhà chung cư tại Hà Nội ở mức cao, còn TPHCM giá rẻ gần bằng nhà
thu nhập thấp ở thủ đô (khoảng 11-12 triệu đồng/m2). Tình trạng chênh lệch giá
là do TPHCM có nguồn cung dồi dào và dư nợ ngân hàng các doanh nghiệp cho bất
động sản lớn (dư nợ ngân hàng ở TPHCM là 47%, Hà Nội là 16% – 17%).
Do
vậy, căn hộ chung cư tương đối bão hòa ở TPHCM dẫn tới áp lực phải “xả hàng” để
trả vốn vay đã kéo giá xuống gần với giá trị thực. Còn ở Hà Nội, nhu cầu mua nhà
vẫn còn nhiều và nhà đầu tư thường kinh doanh bằng vốn tự có nhiều hơn so với
nhà đầu tư TPHCM nên không bị áp lực trả lãi ngân hàng đe dọa nên cố “bám trụ”
giữ giá và đẩy giá lên để kiếm lời.
Cần tránh tâm lý bầy đàn Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định: Thị trường bất động sản năm 2011 sẽ có chuyển biến nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Ông Nam kêu gọi các nhà đầu tư và người dân đầu tư bất động sản cần loại bỏ tâm lý bầy đàn vẫn còn rất nặng nề, tránh đầu tư theo tin đồn và nên tham khảo ý kiến tư vấn chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, có thực tế đáng buồn là thị trường bất động sản Hà Nội “thuộc” về người bán và đôi khi họ thường áp đặt các quy định giao dịch làm người mua phải đi theo. Do vậy, người mua phải ý thức được quyền của mình, phải biết đàm phán, tránh bị “xử ép” như tự ý thay đổi tỉ giá ngoại tệ, tăng giá bán trong hợp đồng… |