- Một số người tại các khu chung cư, xóm trọ gần đây đứng ra lập nhóm để săn thực phẩm sạch. Mỗi người một loại, góp lại rồi chia nhau - cách làm này ít nhiều giúp họ tránh mua thực phẩm ở chợ.
Một lần mua rau cải ngoài chợ về ăn làm cả nhà đau bụng, chị Lê Thị Thu Hằng (ngụ tại một khu chung cư trên đường Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay từ đó, gia đình chị sợ tất cả các loại rau, củ, quả ở chợ. Chị phải nhờ người nhà rau xanh từ quê lên. Song ở quê, mọi người cũng chỉ trồng được vài ba loại, còn những thứ khác cũng phải đi mua.
Trong khi đó, ở cùng khu chung cư, những gia đình khác cũng vậy. Đồ ở quê gửi lên chỉ vài món, ăn chẳng hết mà lại không có món khác. Chuyện qua lại, mọi người quyết định lập nhóm để săn các loại thực phẩm sạch ở quê.
Đàn gà nuôi cám, thóc được nhóm đặt mua ở quê mang lên ăn dần (ảnh Bảo Hân) |
Cụ thể, các thành viên trong nhóm sẽ chịu trách nhiệm tìm và cung cấp một vài loại thực phẩm sạch ở quê rồi nhờ người nhà gửi lên thành phố đều đặn hàng tuần. “Hôm nào hàng lên, cả nhóm lại tụ tập chia nhau. Rau, củ quả thì có thể hàng đổi hàng, chứ gà, vịt, lợn... thì phải mua. Mua thì mua chứ mọi người hầu như chỉ bán với giá gốc, chẳng ai lấy tiền lời lãi”, chị Hằng nói.
Chị Hải Dương - một thành viên trong nhóm góp vui, giờ các gia đình hầu như có đủ các loại thực phẩm dùng hàng ngày, từ cọng hành, củ tỏi, rau xanh, hoa quả cho tới thịt gà, lợn, trứng, cá... không thiếu thức gì.
“Mẫu mã không đẹp nhưng đảm bảo hàng sạch, yên tâm. Hơn 4 tháng nay, từ khi tham gia nhóm săn thực phẩm sạch ở khu chung cư, tôi ít khi phải đi chợ mua đồ ăn. Các gia đình chia nhau lấy hàng để tủ lạnh ăn cả tuần. Cái được hơn cả là các gia đình giờ trở nên thân thiết, đoàn kết, sống vui vẻ với nhau hơn”, chị Dương cho hay.
Rau củ bán đầy chợ nhưng chất lượng thế nào thì bà nội trợ khó biết. |
Cùng chung cách làm, Tiến Dũng - sinh viên ĐH Thương Mại (Hà Nội), cho biết, xóm trọ chủ yếu đều là sinh viên, vì sợ thức ăn ở thành thị không đảm bảo nên gia đình gửi rất nhiều thực phẩm ở quê lên. Nhưng theo Dũng, hạn chế lớn nhất là ở quê có gì bố mẹ gửi lên cái đó. Có phòng suốt ngày ăn trứng, phòng khác thì cả tháng chỉ có cá với thịt... đôi khi ăn nhiều đến phát chán.
Để giải quyết tình trạng nhà thừa, nhà thiếu, cả xóm nảy ra ý tưởng trao đổi hàng với nhau. Bố mẹ gửi đồ lên đều được gộp chung lại, từ rau, trứng đến thịt, cá... thôi thì đủ cả, sau đó, chia đều mỗi phòng một ít.
“Để có đủ thực phẩm sạch ăn hàng ngày, tụi em cũng phải phân công nhau rõ ràng. Mỗi người một quê nên cứ gia đình ở quê trồng, nuôi được loại nào nhiều thì người đó phụ trách cung cấp loại đó cho cả xóm; hoặc nếu nhà không có mà biết nguồn cung đảm bảo cũng nên mua. Ai nhận rau quả thì đem nhiều, còn ai nhận thịt cá thì đem ít hơn để đảm bảo công bằng”, Dũng chia sẻ.
Không lập nhóm săn thực phẩm sạch giống như mọi người, nhưng chị Đặng Thị Tuyết (nhân viên truyền thông) cũng cho hay, ở công ty, ai có đồ sạch gửi từ quê lên sẽ thông báo lại cho mọi người. Ai có nhu cầu thì lấy. Hàng được bán với giá gốc. Mỗi người một loại nên có thể hàng đổi hàng, làm nguồn cung thực phẩm phong phú hơn.
Tuy hơi mất công nhưng đổi lại, thực phẩm luôn được đảm bảo sạch sẽ, không lo độc hại, giá cũng rẻ hơn nhiều so với ngoài chợ, chị Tuyết khoe.
Bảo Hân