- (VEF.VN) - Trái với sự háo hức chờ đợi trong mấy năm qua, sự mong mỏi của nhiều người, thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục phản ứng khá hờ hững với hình thức giao dịch T+3, một nỗ lực của các cơ quan quản lý và các thành viên của thị trường.
Không thắng nổi tâm lý thận trọng
Tới gần cuối phiên giao dịch buổi sáng 5/9 - phiên thứ 2 áp dụng hình thức giao dịch T+3 (nhà đầu tư được bán chứng khoán sớm hơn một ngày so với trước đây), TTCK tập trung trên cả 2 sàn TP.HCM và Hà Nội tiếp tục không khí trầm lắng.
Tới 10h30 sáng 5/9, giao dịch trên sàn HOSE mới đạt hơn 22 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 300 tỷ đồng; trong khi trên sàn HNX giao dịch mới đạt vỏn vẹn 17 triệu đơn vị, trị giá chưa tới 170 tỷ đồng.
Cả 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index đều đang giảm trên dưới 1%, trong đó các cổ phiếu lớn, thuộc nhóm HNX30 và VN30 đang có tốc độ giảm mạnh hơn.
Trước đó, trong phiên ngày 4/9, TTCK đã có 1 phiên tăng điểm nhưng thanh khoản trên cả 2 sàn giảm hơn 12% so với phiên liền trước, xuống chỉ còn 670 tỷ đồng - một mức khá thất vọng so với thời kỳ sôi động vài ngàn tỷ đồng/phiên.
TTCK phản ứng khá hờ hững với phương thức giao dịch T+3 |
Theo đánh giá của công ty chứng khoán (CTCK) BSC, TTCK tăng điểm trở lại trong phiên đầu tiên của tháng 9 nhưng nhìn chung lực cầu còn rất thấp. Việc áp dung T+3 có nghĩa là các nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch trong ngay trong phiên T+3 thay vì phải đợi thêm 1 ngày nữa (T+4) như trước. Rút ngắn thời gian chờ thanh toán cổ phiếu cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư, điều này có ý nghĩa tích cực trong việc kích thích nhà đầu tư tham gia thị trường, giúp làm tăng thanh khoản.
Mặc dù vậy, trên thực tế, thanh khoản trong phiên 4/9 đã giảm sút khá mạnh so với tuần trước. Điều này thể hiện lực cầu vẫn còn yếu, do đó khó tạo động lực tăng điểm bền vững cho thị trường.
Còn với CTCK FPTS, việc áp dụng quy trình thanh toán T+3 khó có thể tạo tác động thực sự tích cực đến diễn biến thị trường. Theo FPTS, thực tế trong phiên giao dịch đầu tiên cho thấy, tâm lý nhà đầu tư tham gia thị trường vẫn khá thận trọng trong giai đoạn này.
Mặc dù thị trường đã cân bằng hơn sau giai đoạn giảm mạnh và nhiều cổ phiếu đang có mức giá khá hấp dẫn nhưng dòng tiền vào thị trường vẫn bị hạn chế bởi sự thiếu vắng thông tin vĩ mô hỗ trợ. Theo đó, ở góc độ thận trọng, FPTS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên xem xét mua vào nếu thị trường tạo đáy thứ hai cao hơn mức đáy cũ vừa qua kèm theo thanh khoản thị trường được cải thiện. Mặt khác, nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn có thể tiến hành chọn lọc và mua vào những cổ phiếu tiềm năng đã có mức giảm mạnh trong giai đoạn vừa qua.
Như vậy, có thể thấy, do tâm lý dè chừng và thận trọng (1 phần do sau kỳ nghỉ) nên sự tác động của việc áp dụng T+3 lên thị trường đang không thể hiện rõ. Điều này trái với dự đoán của nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách này sẽ đẩy mạnh thanh khoản lên khoảng 20%.
Cần những thay đổi mạnh mẽ hơn
Nhìn chung, việc áp dụng T+3 là 1 bước phát triển tích cực của TTCK. Đây là 1 điều tốt cho thị trường trong tương lai bởi giao dịch sẽ được đẩy lên nhanh hơn, bớt áp lực, bớt rủi ro cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, hiện tại, các nhà đầu tư lớn đang có lợi thế về T so với các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Việc rút từ T+4 xuống còn T+3 rõ ràng làm giảm lợi thế của các nhà đầu tư cá mập. Về ngắn hạn, rất có thể nó sẽ khiến cho giao dịch của khối nhà đầu tư lớn bớt tích cực đi, nhưng dài hạn là tốt cho thị trường.
Mặc dù vậy, nhìn chung việc áp dụng T+3 có thể nói là không có gì là mới mẻ. Nó có lẽ đã được phản ánh vào thị trường từ trước đó. Hơn thế, chính sách mới này cũng thực sự không đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Trước đó, các cơ quan quản lý TTCK đã nhiều lần quyết tâm đưa về T+2 nhưng đã không thành. Việc áp dụng T+3, trên thực tế, không phải là 1 tiến bộ về mặt công nghệ và chẳng qua là đẩy nhanh các khâu trong quá trình giao dịch cổ phiếu.
Để có được T+3, TTCK cần tới hơn 10 năm. Do vậy, kỳ vọng về T+2 rồi T+0, đối với nhiều nhà đầu tư quả là xa vời. Và do đó, ở 1 khía cạnh nào đó, thay vì phản ứng tích cực, nhiều nhà đầu tư phản ứng tiêu cực với thị trường.
Tuy nhiên, nhìn chung đây là 1 bước tiến triển theo chiều hướng tích cực của thị trường. Giới đầu tư cũng đang hy vọng sau T+3, cơ quan quản lý sẽ đưa ra thêm nhiều sản phẩm mới cho thị trường trong thời gian tới.
Việc TTCK có nhiều sản phẩm mới và những cải tiến về cơ chế giao dịch chắc chắn sẽ thu hút dòng tiền vào thị trường nhiều hơn. Nó cũng giúp các nhà đầu tư hạn chế được rủi ro.
Gần đây, cơ quan quản lý TTCK đang dự kiến tăng trả biên độ dao động giá trên 2 sàn TP.HCM và Hà Nội về mức trước đây (10% với HNX và 7% với HOSE) giúp cho thị trường vận động sát với thực tế và nhanh hơn.
Mạnh Hà