- Muốn chứng minh nguồn gốc hàng chục tỷ đồng để xây biệt thự có chính đáng hay không thì đâu có khó, cái chính là cái tâm có quyết không thôi.
Kê khai tài sản chỉ đến thế
Câu hỏi lớn trong vụ việc của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, trong nhiều câu hỏi khác về các quyết định của ông khi đương chức, là liệu có thể tìm ra nguồn gốc tài sản thông qua việc kê khai. Câu trả lời là "Chưa" nếu căn cứ vào những gì đại diện cơ quan chống tham nhũng cho báo Người Lao động biết trong một bài phỏng vấn hôm 4/3.
Theo nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập, có 9 nhóm đối tượng phải kê khai tiền mặt, tiền cho vay, tiền gửi ở trong nước và nước ngoài, nhà ở... Ảnh minh họa: Minh Thăng |
Trả lời báo Người Lao động ngày 4/3, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra CP nói, đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn thì đang chờ phê chuẩn, luật Phòng chống tham nhũng chưa kiểm soát được quà biếu, thu nhập tăng thêm, kê khai tài sản cũng chỉ kiểm soát được thông qua bản tự kê khai...
Hiệu lực thực sự của quy định kê khai và công khai kê khai tài sản đã được đặt câu hỏi từ khi luật Phòng chống tham nhũng ra đời.
Trao đổi với VietNamNet từ năm 2012, ông Jairo Acuna-Alfaro, cố vấn chính sách của UNDP Việt Nam về chống tham nhũng, đã không ngần ngại chỉ ra việc kê khai tài sản ở VN vẫn chỉ ở dạng "đóng và kín".
Nguyên nhân mà chuyên gia này chỉ ra là với tài sản chính thức, việc kê khai chỉ trong nội bộ, không công khai, xong là nằm một chỗ trong tủ hồ sơ, trở thành một văn bản "đóng". Còn với tài sản không chính thức, nếu có kếch xù đến mức ai nấy đều nghi ngờ thì cũng không phải chứng minh nguồn gốc vì trách nhiệm này chưa được luật hóa một cách mạnh mẽ. Chưa kể tình trạng phổ biến là đứng tên vợ con, cho thuê, cho mượn...
Khi vụ việc của ông Trần Văn Truyền nổi lên, trả lời báo Pháp luật TP.HCM, ông Jairo Acuna-Alfaro một lần nữa nhận định sở dĩ xảy ra điều này là do việc kê khai tài sản ở VN chưa được thực hiện một cách bài bản, khó xác định giữa lương và thu nhập, luật pháp vẫn còn để một khoảng trống về kê khai tài sản đối với cán bộ đã về hưu...
Thực tế, khi luật Phòng chống tham nhũng được đưa ra sửa đổi cuối năm 2012, nhiều thay đổi đã được đề xuất như mở rộng đối tượng kê khai tài sản sang cả gia đình, người thân, công khai hơn kết quả kê khai tài sản, coi việc làm giàu bất chính là tội hình sự... nhưng tất cả vẫn dừng lại ở mức đề xuất.
Cái tâm có quyết?
Vậy nếu nguyên nhân nằm ở tính nửa vời của sự công khai, làm thế nào để khắc phục nó? Như độc giả VietNamNet trao đổi sau bài viết Quang minh chính đại thì không có biệt thự quan chức của nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng Trần Đình Huỳnh, giải pháp đơn giản là công khai hết.
Độc giả Lê Lập Công đề nghị công khai mọi thông tin chính thức của nhà nước cũng như của cá nhân, miễn là không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, không phải là chuyện riêng tư của cá nhân, lên các phương tiện truyền thông để mọi người cùng biết. Công khai minh bạch cũng là giải pháp mà các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ liên tục khuyến cáo VN, độc giả Phan Tiến chỉ ra.
Nhưng độc giả Nguyen Thanh đặt câu hỏi: "Phải chăng việc công khai minh bạch tất cả các vấn đề liên quan đến vận mệnh đất nước và cuộc sống của dân lại khó đến thế"? Bởi vì, theo độc giả Nguyễn Thái Hưng, sự quang minh chính đại không phải chỉ do mong muốn mà có được. "Phải có một thiết chế để xác lập và kiểm soát nó", độc giả này góp ý.
Từ đó, với vụ việc cụ thể của nguyên Tổng Thanh tra CP Trần Văn Truyền, độc giả Nguyễn Nguyên kiến nghị: Muốn làm rõ về biệt thự của ông Truyền thì cứ mở bản kê khai của ông ấy ra xem trong đó kê khai những gì.
"Muốn chứng minh nguồn gốc nhiều chục tỷ đồng để xây biệt thự đó là chính đáng hay không thì đâu có khó, cái chính là có làm thật như nói, nói thực như nghĩ hay không thôi", độc giả này viết. "Ai cũng hô quyết tâm, nhưng điều căn bản và khác biệt là ở chỗ cái tâm có quyết không".
Chung Hoàng