Trong thời gian qua, nhằm hỗ trợ đồng bào khu vực miền núi tiêu thụ được sản phẩm hàng hóa, nông, lâm sản, Bộ Công Thương đã thúc đẩy triển khai các Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình phát tiển thương mại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình thương hiệu quốc gia và các Chương trình khuyến công quốc gia,…

W-anhbixanh.png

Đồng thời, hoàn thiện các chính sách thúc đẩy thương mại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Giải quyết các vấn đề về vận chuyển và kho bãi, đảm bảo từ giao nhận, vận chuyển đến kết nối kho bãi, để bà con chỉ chuyên tâm vào sản xuất.

Bên cạnh đó còn có các chương trình quảng bá sản phẩm của bà con trên các kênh thương mại điện tử, kết nối trực tiếp giữa các hợp tác xã, các doanh nghiệp tại khu vực sản xuất này đến gần hơn với các nhà phân phói hiện đại trên cả nước.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn đang có sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh, điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập bình quân đầu người có phần chênh lệnh; trình độ dân trí của đồng bào tại những vùng sâu, vùng xa chưa được cao; hoạt động lưu thông hàng hoá trên các vùng sâu, vùng xa, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa sôi động; công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng đến khu vực này còn chưa nhiều…

Đặc biệt, bà con vẫn chưa quan tâm nhiều đến chất lượng và thương hiệu sản phẩm dẫn đến khó khăn trong việc tìm đầu ra cho hàng nông sản cũng như đưa hàng hoá của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Gia Lai vào hệ thống phân phối.

Chia sẻ với những vấn đề trên, từ thực tế vận hành, ông Kiều Song Hào, Giám đốc Thu Mua miền Bắc, MM Mega Market Việt Nam cho hay, trở ngại lớn nhất của chuỗi siêu thị MM Mega Market khi phân phối các sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là các doanh nghiệp, các tỉnh chỉ tập trung vào một số nhóm sản phẩm, dẫn đến sản lượng nhiều nhưng tiêu thụ không nhiều. Siêu thị không thể nhập số lượng lớn nhiều một lúc vì tính chất của siêu thị là bán hàng cho người tiêu dùng hàng ngày, nhập hàng về hàng ngày, vì vậy, mặc dù sản phẩm của bà con có chất lượng tốt, bao bì đẹp nhưng vẫn khó tiêu thụ.

Để đồng hành với các tỉnh thành, các doanh nghiệp, MM Mega Market đã thực hiện các giải pháp về kho trung chuyển. Chuỗi siêu thị đã lập các khu trung chuyển tại Đà Lạt, Bình Dương,… từ đó chuyển đi khắp cả nước, hỗ trợ bà con đưa hàng hoá đi tiêu thụ tại các siêu thị trong chuỗi hệ thống trải dài từ Bắc vào Nam.

MM Mega Market cũng tổ chức tuần lễ giới thiệu hàng OCOP, các mặt hàng nông thôn tiêu biểu, các mặt hàng đặc sản của các tỉnh thành, Hợp tác xã, hộ nông dân để giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng.

Bên cạnh đó những doanh nghiệp phân phối hiện đại cũng cần phát triển hạ tầng thương mại, xây dựng các chợ đầu mối, kết nối hàng hoá của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến các chợ khác cũng như đến gần hơn với người tiêu dùng.

Và hoạt động truyền thông, quảng bá cho sản phẩm hàng hoá của khu vực này cần phải tiếp tục thúc đẩy mạnh hơn nữa, rộng hơn, không chỉ truyền thông, quảng bá đối với người tiêu dùng cả nước mà còn cho chính đồng bào dân tộc để họ hiểu về quy trình sản xuất; hiểu về cách thức sản xuất, hiểu về những yêu cầu của thị trường.

Nhóm PV