Các chuyên gia cho rằng: sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, tác động giảm nghèo nhanh, bền vững. Tuy nhiên, cần phải giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong chuỗi liên kết sản xuất.

Giảm chi phí 10-15%, tăng sản lượng 20-25%

Tại HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hạ Bì, xã Hạ Bì (Kim Bôi) vài năm trở lại đây việc sản xuất dần thực hiện theo chuỗi liên kết với các loại cây trồng chủ lực như: dưa chuột Nhật xuất khẩu, ớt xuất khẩu, cà chua sạch, rau, củ, quả các loại...

Ông Nguyễn Thái Học, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Hạ Bì cho biết: Từ trước đến nay, việc sản xuất nông nghiệp của bà con với quy mô nhỏ lẻ không tập trung thường rơi vào cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Các sản phẩm chủ yếu thông qua đầu mối bán lẻ tiêu thụ nội bộ, lợi nhuận nằm ở một bộ phận tiểu thương, còn người nông dân không có lãi. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc nông dân không thiết tha với nông nghiệp và ngại đầu tư cho nông nghiệp.

Nhằm khắc phục tình trạng trên để tìm ra hướng đi mới cho nông dân, từ cuối năm 2014, HTX thành lập và đi vào hoạt động đã đứng ra làm đầu mối ký hợp đồng với Công ty Facific bao tiêu sản phẩm dưa chuột Nhật. Từ diện tích ban đầu 5 ha, đến nay phát triển lên 13 ha, trong đó trồng tại huyện Kim Bôi 5 ha và mở rộng sang địa bàn tỉnh Phú Thọ 8 ha. Năm 2017, HTX ký hợp đồng với Công ty TNHH ớt Việt Nam trồng 1,1 ha ớt tại xã Thượng Tiến. Ngoài ra, các sản phẩm rau, củ, quả của HTX đều được các trường học và nhà hàng bao tiêu sản phẩm. Năm 2017, doanh thu của HTX đạt gần 2 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hòa Bình, việc tổ chức liên kết giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với sản xuất truyền thống. Tuỳ từng loại sản phẩm, có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15%/ha và giá trị sản lượng tăng 20-25%, lợi nhuận từ 2 triệu đồng/ha trở lên. Tham gia cánh đồng lớn, người sản xuất được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, được hỗ trợ kỹ thuật và trong một số mô hình còn được doanh nghiệp liên kết cung ứng vật tư đầu vào không tính lãi. Các doanh nghiệp đã có vùng cung cấp nguyên liệu ổn định với chất lượng bảo đảm và tiết kiệm chi phí thu mua, vận chuyển hàng hóa nông sản…

{keywords}
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi góp phần xóa đói, giảm nghèo. Ảnh: Lê Thăng

Vẫn nhiều điểm yếu ở các khâu

Trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn Cầu (GIBC), sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay chuỗi giá trị nông sản từ khâu đầu vào, sản xuất, sau thu hoạch, chế biến đến xuất khâu đều tồn tại những hạn chế nhất định.

Cụ thể, tại khâu đầu vào, chi phí còn cao với giá cả biến động. Ở khâu này còn diễn ra tình trạng “lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”; đến khâu sản xuất, thì quy mô khá nhỏ, thiếu liên kết. Bên cạnh đó, quy trình kỹ thuật sai, sử dụng quá nhiều lao động và chất lượng không đồng nhất cũng là những hạn chế điển hình. Giá nông sản trung bình cao hơn 10% so với các nước là do chi phí sản xuất cao.

Ở khâu chế biến, hạn chế được chỉ ra là chi phí hậu cần (logistics) cao, trình độ công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp, quy mô nhỏ, manh mún.

Riêng về xuất khẩu, hạn chế dễ nhận thấy là chất lượng thấp, giá thấp; sản phẩm xuất khẩu thiếu thương hiệu. Ngoài ra, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm kém, thiếu thông tin thị trường.

Chính bởi những nguyên nhân này mà dẫu cả nước có tới 700 chuỗi liên kết nhưng theo Bộ NN&PTNT chỉ có khoảng 300 trong số đó hoạt động hiệu quả.

“Thông nghẽn’ cho chuỗi liên kết

Các chuyên gia cho rằng: Việt Nam chưa chưa tối ưu hóa được chi phí sản xuất do năng suất thấp, phương thức sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường về cả chủng loại và chất lượng. Do vậy, theo cần tập trung vào 2 vấn đề. Đó là cần có cơ chế thúc đẩy nhanh và quyết liệt hơn nữa quá trình tích tụ đất đai, đẩy mạnh hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung cùng với các ưu đãi đầy đủ, mạnh về thuế, tín dụng.

Để giảm chi phí cho logistics (chiếm tới 21 - 25% GDP hàng năm), cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ. Đồng thời hướng tới sản phẩm chế biến tinh thay vì vẫn nghiêng về hình thức chế biến sản phẩm thô, ưu tiên phát triển công nghệ bảo quản hiện đại.

Để làm được điều này, Nhà nước cần có một chiến lược và tầm nhìn dài hạn đối với từng nhóm đối tượng. xây dựng một hệ thống chính sách hỗ trợ cho công nghệ bảo quản, chế biến, thương mại hóa sản phẩm, kết nối thị trường. Đồng thời, đổi mới công tác khuyến nông theo hướng không chỉ hỗ trợ kỹ thuật về tăng sản lượng mà hỗ trợ người sản xuất tiếp cận với thông tin thị trường, công nghệ bảo quản chế biến nông sản và phát triển thị trường.

D.Minh - Ngọc Trâm