Ngày 8/11, tại Cao Bằng, Ủy ban Dân tộc phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội thảo đánh giá Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020, đề xuất khung Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 các tỉnh khu vực Đông Bắc Bộ (Quảng Ninh, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang).
Các chương trình xóa đói giảm nghèo đã góp phần cải thiện đời sống đồng bào DTTS. Ảnh minh họa |
Theo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020, giai đoạn này, Chương trình 135 được triển khai tập trung tại 8 tỉnh khu vực Đông Bắc Bộ trên địa bàn 683 xã, trong đó có 465 xã đặc biệt khó khăn, 102 xã biên giới, 116 xã an toàn khu và 889 thôn đặc biệt khó khăn. Tổng nguồn lực của chương trình là hơn 7.360 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 5.440 tỷ đồng (đã phân bổ hơn 4.314 tỷ đồng), ngân sách từ địa phương trên 1.900 tỷ đồng.
Trong 4 năm triển khai, Chương trình 135 đã huy động được tổng hợp các nguồn lực thực hiện, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của đồng bào DTTS.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm từ 3-4%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5-2 lần so với đầu giai đoạn; kết cấu hạ tầng như công trình giao thông, y tế, giáo dục... được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu của người dân.
100% xã, thôn bản đặc biệt khó khăn được tiếp cận giống cây trồng, vật nuôi mới; các hộ nghèo, cận nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức khuyến nông, khuyến lâm, kinh nghiệm sản xuất. Các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất đã tác động không nhỏ đến quá trình thay đổi nhận thức, hành vi theo hướng tích cực trong phát triển kinh tế hộ gia đình...
Hội thảo cũng thảo luận những định hướng khung Chương trình 135 giai đoạn 2021 - 2030 với những nội dung trọng tâm như: nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng DTTS và miền núi, tạo mô hình sinh kế gắn với việc làm ổn định; bảo đảm thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS và miền núi năm 2025 tăng ít nhất 2 lần so với cuối năm 2020; tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn; phát triển KT - XH các DTTS rất ít người và DTTS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ vào sản xuất...
Bài: Duy Tuấn - Nhóm PV
Ảnh: Diệu Bình - Nhóm PV